Đền Trần nằm bên hồ Bán Nguyệt thơ mộng thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên; là một danh thắng tiêu biểu trong Khu di tích Phố Hiến được Nhà nước xếp hạng di tích “Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia năm 1992 và cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.
Ngôi đền tôn thờ người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng trụ cột của vương triều Trần. Ông sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228) trong một gia đình quý tộc thuộc tôn thất nhà Trần, nguyên quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Nam Định. Cha ông là An Sinh vương Trần Liễu, anh ruột của vua Trần Thái Tông. Mẹ là Nguyệt Vương Phi.
Ngay từ lúc mới sinh, Trần Quốc Tuấn đã được khen là bậc kỳ tài sau này có thể cứu nước, giúp đời. Với tư chất thông minh, tài trí hơn người lại được giáo dục, rèn luyện toàn diện ngay từ thuở nhỏ, nên Quốc Tuấn sớm trở thành người văn, võ toàn tài.
Khi lớn lên, Trần Quốc Tuấn có dung mạo khôi ngô, đọc thông hiểu rộng, văn võ song toàn. Trần Liễu thấy con như vậy mừng lắm, những mong con có thể rửa nhục cho mình. Song, Trần Quốc Tuấn đã tỏ rõ là một bậc hiền tài, một vị anh hùng cứu nước, biết đặt lợi nước lên trên thù nhà, tạo nên sự thống nhất ý trí của toàn bộ vương triều, vun trồng khối đoàn kết giữa tôn tộc họ Trần, tạo cho thế nước đủ sức mạnh đè bẹp quân thù. Ông đã ba lần tham gia chống quân Nguyên - Mông xâm lược, được vua Trần phong làm Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt đã làm nên chiến thắng, giữ vững nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Cuộc kháng chiến thắng lợi đã chặn đứng đà xâm lược của quân Nguyên - Mông xuống Đông Nam Á, đồng thời che chở cho nhiều dân tộc khỏi họa ngoại xâm.
Không chỉ là nhà quân sự lỗi lạc, Trần Quốc Tuần còn là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm lý luận quân sự có giá trị như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư,… khẳng định một bước phát triển quan trọng của khoa học quân sự Việt Nam - hình thành học thuyết khoa học quân sự dân tộc trong chiến tranh giữ nước.
Trái tim người anh hùng dân tộc đã ngừng đập ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300) tại tư dinh Kiếp Bạc. Theo lời dặn, thi hài ông được hỏa táng, thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc. Ông được phong tước Thái Sư Thượng phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhà vua cho lập đền thờ tại Vạn Kiếp - Chí Linh - Hải Dương và cũng chính là ấp phong của ông lúc sinh thời.
Trong tâm thức người dân đất Việt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đi vào huyền thoại, đi vào thế giới tâm linh, trở thành vị “Thánh” được toàn dân thờ phụng. Ông được người đời tôn xưng là vị thần bảo vệ, che chở cho cư dân nông nghiệp tránh được thiên tai, đem lại mùa màng tươi tốt. Từ Trần Hưng Đạo đến “Đức Thánh Trần” rồi “Đức Thánh Cha”. Từ một nhân vật lịch sử “bằng xương bằng thịt” đã trở thành vị thánh thiêng liêng được tôn thờ rộng rãi và phổ biến nhất trong các vị thần linh Việt.
Tương truyền, đền Trần được xây dựng trên một vị thế đắc địa về cảnh quan, phong thủy của Phố Hiến xưa. Đây là nơi hội tụ của ba con sông lại gần cửa biển nên trở thành vị trí chiến lược trọng yếu, thuận lợi cho cả giao thông thủy - bộ. Vì vậy, Trần Hưng Đạo đã chọn nơi đây làm địa điểm đóng quân doanh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3. Phòng tuyến này nằm trong chiến lược bảo vệ vùng Tức Mặc (quê hương của Nhà Trần) đồng thời có thể làm bàn đạp để phản công quân địch, giải phóng Thăng Long.
Theo các tư liệu lịch sử thì đền Trần được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ XIV sau khi Hưng Đạo Đại Vương mất để tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc. Trải theo thời gian, ngôi đền đã được tu tạo nhiều lần. Dấu ấn kiến trúc hiện hữu của đền là từ thời Nguyễn niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863) và Thành Thái thứ 4 (1892). Hiện nay, đền Trần tương đối khang trang, vững chắc với kết cấu kiến trúc chính kiểu chữ Tam gồm: 05 gian Tiền tế, 05 gian Trung từ và 03 gian Hậu cung. Các hạng mục được bố trí cân đối, hài hòa với kiến trúc kiểu “trùng thềm điệp ốc”. Tại gian trung tâm Hậu cung là ban thờ Đức Thánh Trần. Phía sau là ngai và bài vị Tổ nghiệp họ Trần cùng gia đình và gia tướng của ngài là Yết Kiêu và Dã Tượng.
Tại đền còn bảo lưu được nhiều hiện vật rất có giá trị về mặt mĩ thuật cũng như lịch sử - văn hóa, đó là các bức đại tự, cửa võng, câu đối, ngai thờ, bia đá, bản khắc thẻ, 15 đạo sắc phong thời Nguyễn,... Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về di tích, địa danh và lịch sử của Phố Hiến xưa.
Hằng năm, đền Trần thường tổ chức hai kỳ lễ hội là ngày 8/3 và 20/8 (âm lịch) để kỷ niệm ngày chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và ngày mất của Đức Thánh Trần. Đây cũng là dịp diễn ra các lễ hội văn hóa dân gian vùng Phố Hiến với nhiều hoạt động tạo thành sự kiện văn hóa mang đậm sắc thái tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.
Hiện nay, đền Trần là một di tích đặc biệt tiêu biểu nằm trong Khu di tích Phố Hiến thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái. Với ý nghĩa lịch sử to lớn và những tiềm năng sẵn có, ngôi đền đã và đang trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn cho mỗi du khách khi về thăm Phố Hiến - Hưng Yên.