Di tích đền An Xá đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, tại đền có tòa tháp đất nung và bệ thờ đất nung được công nhận là bảo vật quốc gia, Lễ hội đền An Xá đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Vì vậy, di tích đền An Xá đã mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nên một bức tranh đẹp mang màu sắc truyền thống lịch sử văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây.
Di sản văn hóa vật thể được hiểu là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm (Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia).
Căn cứ vào các tư liệu, hiện vật còn lưu giữ tại di tích và lời kể của các cụ cao niên trong làng, đền An Xá là nơi tôn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Lão Tiên Ông cùng các vị Thiên tiên, Địa tiên. Đền được khởi dựng từ khá sớm, muộn nhất vào khoảng thế kỷ thứ XVI - XVII. Trải qua thời gian tồn tại đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Vào thời Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912) và Bảo Đại (1926), di tích được trùng tu lớn.
Ảnh: Mặt tiền đền Thượng
Hiện nay, toàn bộ khu đền An Xá có tổng diện tích là 20.085m2. Đền có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Công gồm: 05 gian Tiền tế, 03 gian Ống muống và 03 gian Hậu cung. Các cấu kiện và thành phần kiến trúc tòa Tiền tế đều được làm bằng gỗ tứ thiết, riêng hai tòa Ống muống và Hậu cung được làm bằng đá xanh. Đây được xem là một trong những điểm đặc biệt, độc đáo và khác lạ tại di tích đền An Xá. Toàn bộ hệ thống cột, các bộ vì, xà đều làm từ chất liệu đá xanh được chạm khắc công phu có giá trị nghệ thuật cao. Công trình hiện nay còn đồng bộ, vững chắc mang dấu ấn nghệ thuật thời Lê - Nguyễn đan xen. Hai tòa Ống muống và Hậu cung được làm bằng đá có quy mô lớn nhất, hiếm có còn tồn tại ở Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, ở đất Bắc số lượng các ngôi đình, đền, chùa được làm bằng đá có giá trị còn lại tương đối ít. Ngoài đền An Xá (Hưng Yên) chỉ còn lại một số di tích: Đền Đá (Nam Định); đình Xuân Vũ (Nam Định), đình đá Tiên Phong (Hà Nam), đình Nguyên Xá (Thái Bình).
Giá trị di sản văn hóa vật thể tại đền An Xá còn được thể hiện thông qua những di vật tiêu biểu, quý hiếm, có một không hai hiện còn lưu giữ tại di tích như: Tòa tháp đất nung; Nhang án đất nung (mang phong cách thế kỷ XVI - XVII); Khánh đá (thời Hậu Lê, niên hiệu năm Vĩnh Trị (1676); Chuông đồng (thời Hậu lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (1773), tượng thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII,... Đây là những di sản văn hoá vô cùng quý giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về địa danh, tục thờ các vị thần tiên và đánh giá về lịch sử hình thành và phát triển của ngôi đền. Trong đó, tòa tháp đất nung và bệ thờ đất nung được Thủ tướng chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Tại sân đền du khách sẽ được chiêm ngưỡng tòa tháp cổ bằng đất nung. Người dân trong vùng vẫn quen gọi tên tháp là tháp Cửu Trùng. Đây là một trong hai ngôi tháp cổ bằng đất nung hiếm hoi hiện còn lại đến nay trên cả nước cùng với ngôi tháp Bình Sơn (dựng tại chùa Vĩnh Khánh, tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, tháp Bình Sơn là ngôi tháp đất nung của Phật giáo còn tháp tại đền An Xá là ngôi tháp đất nung duy nhất của Đạo giáo còn tồn tại đến ngày nay. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, ngôi tháp đất nung tại đền An Xá được khởi dựng vào khoảng thời Trần, sau khi vua Trần Anh Tông gả con gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chămpa, vua Chămpa đã cho thợ chuyên chở vật liệu ra đền dựng tháp. Đến năm Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667), ngôi tháp đã được trùng tu (dấu vết còn được ghi lại trên thân tháp). Tháp cao 13 tầng có màu nâu đỏ, chia làm 03 phần: Đế tháp, thân tháp và ngọn tháp. Mỗi phần đều trang trí các họa tiết hoa văn phong phú và đa dạng với nhiều đề tài khác nhau. Tháp được bảo tồn khá nguyên vẹn, có hình thức thể hiện độc đáo, mang giá trị vô cùng to lớn về lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật, kỹ thuật xây dựng, minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của Thụy Ứng Quán.
Nhang án đất nung được đặt tại Hậu cung đền An Xá, phía trên nhang án đặt khám và tượng thờ Tam Thanh Lục Ngự. Trong các di tích của người Việt, nhang án thờ chủ yếu và phổ biến được làm bằng chất liệu gỗ hoặc đá song nhang án bằng chất liệu đất nung khá hiếm gặp. Đây là một nhang án thờ bằng đất nung cực kỳ quý hiếm, duy nhất còn bảo lưu được trong các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Ngoài ra, trong và ngoài khuôn viên di tích, hiện còn một số hạng mục công trình kiến trúc gắn liền với sự hình thành và các tích truyện liên quan tới nhân vật thờ tại di tích: Đền Hạ, đền Kỷ Niệm nằm về hai bên hồi đền chính. Đăng đối hai bên sân đền là hai dãy nhà Giải vũ. Hai bên Tam quan là đền Mẫu (bên trái) và đền Thiên Quan (bên phải). Bên ngoài khuôn viên di tích về phía Đông là hai ngôi đình Vô (cách 200m) và đình Căn (cách đền An Xá 500m), thờ những vị Ngũ Lão Tiên Ông có công diệt trừ hổ dữ, bảo vệ dân làng. Xưa kia, tại thôn An Xá có bốn ngôi đình nằm về bốn hướng và chầu về đền chính: Đình Bến (hướng Đông), đình Mới (hướng Tây), đình Vô (hướng Nam), đình Căn (hướng Bắc). Trải qua thời gian, hiện chỉ còn hai ngôi đình Vô và đình Căn. Tất cả các di tích này đều nằm trên cùng địa phận thôn An Xá, có giá trị lịch sử, văn hóa lớn, phản ánh sự ra đời, hình thành và phát triển của vùng đất An Xá trong một giai đoạn lịch sử dài, và liên quan trực tiếp tới sự ra đời của ngôi đền An Xá ngày nay. Đồng thời, có mối quan hệ và sự liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một quần thể di tích vô giá mà ngôi đền An Xá là trung tâm.
Với những giá trị văn hóa vật thể đó, di tích đền An Xá (Đậu An) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020. Đồng thời, Tòa tháp đất nung cũng được Thủ tướng chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021. Ngày 30/1/2023, Bệ thờ đất nung được Thủ tướng chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Điều này khẳng định giá trị văn hóa to lớn, đặc sắc của di tích đền An Xá cũng là tiền đề phát triển du lịch cho di tích Quốc gia đặc biệt này.
Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và tri thức dân gian khác.
Di tích đền An Xá còn lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể khá to lớn, những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phong phú, gắn kết cộng đồng, làng xã thể hiện qua lễ hội truyền thống hằng năm, tập tục sinh hoạt của làng. Lễ hội truyền thống đền An Xá là một lễ hội lớn, nổi tiếng trên cả nước, làm nức lòng người gần xa với câu ca:
“Tỉnh Nam, vui nhất Phủ Giầy
Vui thì vui thật chẳng tầy Đậu An”.
Hằng năm, lễ hội đền An Xá được diễn ra từ ngày mồng 1 đến 12 tháng 4 (âm lịch). Chính hội là từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng 4. Lễ hội đền An Xá nổi tiếng trong vùng về quy mô đặc sắc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh cùng tham dự. Lễ hội mang đậm nét đặc sắc của văn hóa dân gian nói chung và nét đẹp của nền văn hóa lúa nước vùng Bắc Bộ nói riêng. Đồng thời, gắn liền với sự hình thành và phát triển của văn hóa Đạo giáo ở nước ta. Lễ hội là sự thể hiện khát vọng cháy bỏng của con người về một cuộc sống yên vui, ấm no và hạnh phúc.
Ảnh: Diễn trò tích đánh hổ
Đặc biệt, trong lễ hội có tổ chức rước kiệu Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các vị Thiên Tiên, Địa Tiên, Ngũ Lão Tiên Ông mà chỉ ở Hưng Yên mới có. Phần hội diễn ra sôi nổi với việc biểu diễn lại tích trò “Mẹ con nhà khó đánh hổ”, thu hút được đảo đảo du khách tham gia dự hội. Sự tích này, ngoài lớp vỏ ý nghĩa thể hiện tinh thần thượng võ, sức mạnh cộng đồng,… còn ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng thờ Mẫu/Mẹ. Mẹ Khó ở đây thể hiện vai trò quan trọng của người Mẹ trong những chuỗi ngày đầu người Việt chinh phục vùng châu thổ. Đồng thời qua đó cũng cho thấy, khi Đạo giáo xâm nhập vào Việt Nam, đã phải dựa/hòa vào tín ngưỡng bản địa (tín ngưỡng thờ Mẫu/Mẹ) để tồn tại và phát triển.
Trong ngày hội, xưa kia còn có tục rước ông Đùng bà Đà. Đây là tín ngưỡng bản địa của cả người Việt và người Mường, mang đậm ý nghĩa phồn thực. Sự tích và nghi lễ rước ông Đùng, bà Đà tại đền An Xá khá đa nghĩa. Lớp tín ngưỡng sớm nhất ở đây vẫn là tín ngưỡng bản địa, cầu phồn thực. Trong ngày hội xưa, tổ chức rước vào chập tối, đến đêm có lễ “tắt đèn” diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ, người chủ tế lấy hai hình tượng sinh thực khí của ông Đùng bà Đà làm các hành động mang ý nghĩa tính giao. Họ quan niệm âm - dương hòa hợp như vậy mùa màng sẽ hội thu. Về sau hình ảnh ông Đùng, bà Đà đã được khoác cho lớp ý nghĩa mang đậm tính chất Đạo giáo, hóa thân thành những vị thần tiên: Thiên tiên (ông Đùng), Địa tiên (bà Đà).
Không chỉ phản ánh đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng, Lễ hội đền An Xá còn phản ánh quá trình khai phá vùng đất này trong quá khứ. Trong quá trình phát triển, người Việt đã từng bước làm chủ vùng châu thổ theo hướng từ núi dần ra biển. Truyền thuyết cũng như thực tế lịch sử đã cho thấy, sự hình thành vùng châu thổ hạ lưu sông Hồng - còn được gọi là châu thổ trẻ, chính là cuộc chinh phục, khai phá những vùng lầy lội mà trung tâm là Hưng Yên. Như vậy, Lễ hội đền An Xá chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và phản ánh sinh động quá trình chinh phục thiên nhiên của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Lễ hội đã phản ánh mối quan hệ về nhận thức của con người với vũ trụ, phản ánh sự tiếp cận của con người với quy luật của trời đất trong quá trình chinh phục tự nhiên, kinh nghiệm của con người trong sự chung sống hài hòa với thiên nhiên. Lễ hội đã thể hiện “ước vọng” của cư dân nông nghiệp là mong mỏi các đấng siêu nhiên thấu đạt khát vọng sống của con người ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Ngày 10/11/2023, Lễ hội đền An Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điều đó càng khẳng định giá trị to lớn của lễ hội. Lễ hội đền An Xá thực sự có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tích cực đến đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cư dân địa phương, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần, là phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nơi đây.
Đền An Xá mang trong mình những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tạo thành một tổng thể, một không gian văn hóa đặc sắc. Sự đan xen, hòa quyện của những giá trị văn hóa đặc sắc này khiến cho di tích Quốc gia đặc biệt đền An Xá ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây, khẳng định vị thế là điểm đến du lịch tâm linh không thể thiếu của du khách thập phương mỗi khi về với Hưng Yên.
Người thực hiện: Nguyễn Thị Tố Uyên