Ban Quản lý di tích tỉnh (BQLDT) Hưng Yên được thành lập theo Quyết định số 01/2005/QĐ-UB ngày 11 tháng 11 năm 2005 của UBND tỉnh Hưng yên với tên gọi ban đầu là Ban Quản lý di tích và danh thắng. Ban là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), có chức năng nhiệm vụ là: Xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, trùng tu, chống xuống cấp các di tích; Lập hồ sơ xếp hạng di tích; Xây dựng nội quy, quy chế, bảo vệ cổ vật tại di tích, quy chế quản lý, khai thác, phát huy tác dụng di tích; Tuyên truyền quảng bá, biên soạn sách, in Pôgam tài liệu giới thiệu về di tích, hướng dẫn khách tham quan,…
Trong 15 năm qua, kể từ khi được thành lập, Ban Quản lý di tích tỉnh đã:
- Tiến hành lập hồ sơ và trình các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng: 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 22 di tích quốc gia, 250 di tích, cụm di tích cấp tỉnh; 03 bảo vật quốc gia.
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xếp hạng được:
+ 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt là: Khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) và Chùa Thái Lạc (huyện Văn Lâm);
+ 03 bảo vật quốc gia là: Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (Chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang); Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng (chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và Bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh (chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ)
+172 di tích quốc gia và 250 di tích cấp tỉnh.
Trong năm 2020, Ban cũng đã hoàn thiện Hồ sơ khoa học cho ba hiện vật, nhóm hiện vật là: Sưu tập 05 đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ (xã Vũ Xá, huyện Kim Động), Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng (xã Minh Hải, huyện Văn Lâm) và Trống đồng Động Xá (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Ban Quản lí di tích tỉnh cũng đang tiến hành hoàn thiện Hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội đền Tống Trân (xã tống Trân) và Lễ hội đền Phượng Hoàng (xã Minh Tiến) huyện Phù Cừ là Lễ hội truyền thống đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh giá các di tích lịch sử - văn hóa trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách 1802 di tích trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (từ năm 2015 - 2018)
- Tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành hai văn bản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực quản lý di tích:
Quyết định Số 2145/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định Số 39/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2016 về việc ban hành Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Với Đề án Đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020 đã có 69 di tích xếp hạng Quốc gia, 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh được tu bổ với tổng kinh phí là 50 tỷ đồng. Trên cơ sở nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân, nối tiếp thành công của Đề án Đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia trên, năm 2020, Ban quản lý di tích tỉnh tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở VH,TT&DL trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt Đề án Đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đối với 38 di tích xếp hạng quốc gia và 69 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
- Khảo sát, lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho hàng trăm di tích bằng nguồn ngân sách Nhà nước và rất nhiều di tích khác bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, có những dự án tiêu biểu như: Dự án di tích Phố Hiến giai đoạn I và II, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Yên Mỹ), Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình (Yên Mỹ), Đền thờ Lạc Long Quân (Thành phố Hưng Yên), Đền thờ Triệu Việt Vương (Khoái Châu),…
- Tham mưu cơ quan quản lý các cấp phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức thành công: “Hội thảo Y đức - Y thuật của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” (2005), Hội thảo khoa học về “Linh nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan và khu di tích đền Ghênh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm” (2015), “Hội thảo khoa học chùa Nôm, làng Nôm - những giá trị văn hóa, lịch sử” tại chùa Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (2018),…
- Ban QLDT đã phối hợp cùng với Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Hưng Yên tổ chức thành công các hoạt động văn hóa tại di tích Văn Miếu Xích Đằng nhằm tuyên truyền, quảng bá về di tích thông qua hoạt động Triển lãm thư pháp, hát ca trù và cho chữ đầu xuân; Lễ dâng hương báo công của các em học sinh giỏi trên địa bàn thành phố của tỉnh; Tổ chức triển lãm thư pháp và cho chữ tại lễ hội đền Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi;…. Phối hợp với Báo Hưng Yên, Đài truyền hình Việt Nam để xây dựng phóng sự, giới thiệu các di tích tiêu biểu của tỉnh. Nghiên cứu, biên soạn, phát hành và tuyên truyền, quảng bá ấn phẩm về một số DTLS-VH tiêu biểu như: Đền Đa Hòa, đền Phù Ủng, đền Tống Trân, chùa Chuông, Văn Miếu, đền Trần, đền Mẫu,… và một số cuốn sách như: Hưng Yên - Di tích lịch sử văn hoá; Nhà tưởng niệm danh nhân Hưng Yên; Di tích lăng đá tỉnh Hưng Yên; Danh mục di tích Lịch sử - Văn hóa Hưng Yên, Cây cổ thụ tỉnh Hưng Yên, Cây Di sản,… Thuyết minh và hướng dẫn tham quan cho hàng nghìn đoàn khách tham quan với hàng vạn lượt người. Trong đó, có những đoàn khách trong tỉnh, các tỉnh bạn, đoàn khách cấp cao của Chính phủ và các đoàn khách quốc tế như: Pháp, Ba Lan, Hà Lan, Nhật, Trung Quốc, Lào,…
Những kết quả đạt được như trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương và sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao của tập thể cán bộ, viên Ban quản lý di tích tỉnh.
Với những thành tích đã đạt được, Ban Quản lý di tích đã được UBND tỉnh Hưng Yên tặng thưởng nhiều danh hiệu như: Bằng khen (2009, 2012), Tập thể lao động xuất sắc (2009, 2011, 2018), Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (2010),… và Bằng khen "Đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương năm 2015" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2016.