Đền Mây toạ lạc tại thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên trong một khung cảnh hữu tình, thơ mộng nên có câu ca: “Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh, đò Mây”.
Đền là nơi tôn thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, một vị tướng tài ba của nước ta trong thời kỳ đầu độc lập tự chủ. Ông sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910). Tương truyền, mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ trắng mà có mang nên sau khi sinh đã đặt tên là Bạch Hổ.
Ngay từ nhỏ, Phạm Bạch Hổ đã nổi tiếng ham học, có tư chất thông minh, tính tình nóng nảy nhưng hết sức cương trực. Lớn lên, Bạch Hổ có thân hình vạm vỡ, mạnh mẽ, thông minh hơn người, văn võ song toàn. Ông từng làm Hào trưởng đất Đằng Châu, là tướng tài của Dương Đình Nghệ. Ông còn giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm Mậu Tuất (938). Khi Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô ở Hoa Lư. Ông lui về vùng đất Đằng Châu, bảo vệ an ninh cho vùng xung yếu này. Ngoài ra, ông còn giúp dân khai khẩn đất hoang, mở mang đồng đất cấy trồng làm cho dân trong vùng được no ấm. Khi Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt nổi lên cát cứ từng vùng. Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu và là một trong 12 sứ quân thời đó.
Vào năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh giương cao ngọn cờ đại nghĩa, đánh dẹp các sứ quân. Phạm Bạch Hổ nhanh chóng nhận ra sức mạnh chính nghĩa đang lên của nghĩa quân Hoa Lư và cũng là sức mạnh của chính nghĩa thống nhất đất nước nên ông đã quy thuận. Phạm Bạch Hổ được Vua Đinh phong đến Thân Vệ Đại tướng quân và Ông đã lập được nhiều công lao trong sự nghiệp thống nhất của Đinh Tiên Hoàng. Phạm Bạch Hổ mất ngày 16 tháng 11 năm 983, vua Lê phong ông là Đằng Vương, sắc cho dân lập đền thờ ở quân doanh và tôn ông làm Thành hoàng làng. Đền vừa dựng xong, Vua Lê phong ông là “Khai thiên hộ quốc thượng đẳng tối linh thần”.
Theo truyền ngôn của người dân nơi đây, đền Mây được khởi dựng từ rất sớm với quy mô lớn. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nên dấu kiến trúc hiện nay của đền là từ thế kỷ XVIII với đặc trưng nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Đền có kết cấu chữ Tam gồm 3 toà: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung với nhiều mảng chạm khắc đẹp có giá trị mỹ thuật cao.
Tại đền còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử - văn hoá như: bức đại tự khảm trai ghi bốn chữ Hán “Thái Bình Vương phủ”, 01 lư hương đồng, 02 con vẹt điêu khắc thời Lê, 02 cỗ kiệu Bát cống, châm thư, 18 đạo sắc phong,... Đây là những di sản văn hoá vô giá mà chúng ta cần bảo vệ và giữ gìn.
Hằng năm, đền Mây thường tổ chức lễ hội vào ba dịp là từ ngày mồng 8 đến 16 tháng Giêng để kỷ niệm ngày sinh và từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 11 để kỷ niệm ngày mất của Tướng quân. Ngoài ra, nhân dân còn kỷ niệm ngày mất của thân mẫu Phạm Bạch Hổ từ ngày 16 đến 24 tháng 6 âm lịch. Đây là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn công lao của vị thần có công với đất nước, với vùng quê này.
Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử, văn hoá và điêu khắc mỹ thuật, đền Mây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng là di tích “Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” ngày 21/01/1992 theo Quyết định số 97/QĐ và là một trong 16 điểm thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân thôn Đằng Châu mà còn là của người dân cả tỉnh Hưng Yên.