Văn Miếu Xích Đằng toạ lạc tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn. Đây là Văn Miếu hàng tỉnh, nơi đây từng diễn ra các kỳ thi Hương và ghi danh các nhà khoa bảng của Trấn Sơn Nam xưa (nay là tỉnh Hưng Yên và Thái Bình).
Văn Miếu được xây dựng để tôn thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết nho gia. Khổng Tử (551- 479 TCN) là người đặt nền móng cho học thuyết Nho gia. Ông sinh ở Ấp Châu, nước Lỗ, nổi tiếng là người học cao hiểu rộng, nghiên cứu các loại kinh, thi, thư, lục, nghệ,… Ông được tôn là “Vạn thế sư biểu” (người thầy tiêu biểu của muôn đời). Tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp trí thức Việt Nam thời phong kiến. Phối thờ cùng với Khổng Tử là thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) người làng Thanh Liệt, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ vào thời Trần nhưng không ra làm quan mà về quê dạy học. Ông là nhà sư phạm tài năng, đức độ từng giữ chức Tư Nghiệp trường Quốc Tử Giám dạy học cho các con em trong hoàng tộc. Ông được triều đình ban tặng là “Khang tiết tiên sinh” (người có khí tiết thanh cao, trong sáng).
Văn Miếu được khởi dựng từ thời Lê, ban đầu có quy mô nhỏ, đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) được trùng tu lại với quy mô lớn như ngày nay. Văn Miếu nằm trên nền của ngôi chùa cổ Nguyệt Đường xưa. Văn Miếu gồm các hạng mục: Tam quan, lầu Chuông, lầu Khánh, 02 dãy Giải vũ và Khu thờ chính. Tam quan được làm kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, đây là công trình cũ được giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng cho đến nay. Ngày nay, Tam quan được lấy làm biểu tượng của tỉnh Hưng Yên. Sân Văn Miếu xưa kia diễn ra các kỳ thi Hương hoặc là nơi sát hạch thí sinh đi dự thi Hương. Hai bên sân có hai Giải vũ mỗi dãy 05 gian, là nơi trưng bày, giới thiệu về nền giáo dục của Hưng Yên xưa và nay.
Khu thờ chính có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung mỗi toà có 05 gian, kết cấu các bộ vì kiểu kèo cầu trụ trốn đơn giản. Các hạng mục được xây liền kề theo lối “Trùng thềm điệp ốc” mang dáng dấp cung đình Huế. Toà Trung từ là nơi đặt ban thờ và tượng thầy giáo Chu Văn An. Hậu cung là nơi bài trí ban thờ Đức Thánh Khổng Tử cùng ban thờ Tứ Phối.
Văn Miếu Hưng Yên hiện lưu giữ một số hiện vật quý, có giá trị nhất là 09 tấm bia trong đó 08 tấm được dựng năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), 01 tấm được dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943). Chín tấm bia ghi danh 161 vị khoa bảng trong đó tỉnh Hưng Yên có 138 vị, tỉnh Thái Bình có 23 vị. Ngoài ra, Văn Miếu còn lưu giữ chuông đồng, khánh đá có niên đại Gia Long tam niên (1804), 02 pho tượng đồng của Khổng Tử và thầy giáo Chu Văn An cùng nhiều bức đại tự, hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, hằng năm tại Văn Miếu thường diễn ra các hoạt động về văn hoá, giáo dục rất sôi nổi đặc biệt là vào dịp đầu xuân như: tế lễ, hát ca trù, xin chữ cầu may,... với mong muốn đưa nơi đây trở thành trung tâm giáo dục truyền thống hiếu học, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Văn Miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia ngày 02/12/1992 tại Quyết định số 3959-VH/QĐ, thuộc loại hình di tích “Lịch sử”. Năm 2014, Thủ tướng chính phủ xếp hạng Khu di tích Phố Hiến cấp quốc gia đặc biệt trong đó có Văn Miếu Xích Đằng.