Đình Mát tọa lạc trên khu đất cao ráo, khoáng đạt ở đầu thôn Mát, xã Nhân La. Đình có mặt tiền hướng Tây, nhìn về đền chính Đa Hòa, huyện Khoái Châu. Theo các cụ cao niên trong làng thì đình được xây dựng trên thế đất hình thuyền rồng nên nhiều người con quê hương hiển danh, thành đạt nhưng vẫn rất tình nghĩa với quê hương, bản quán.
Đình là nơi tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa (con gái vua Hùng thứ 18) và Tây Sa công chúa. Ba vị đã có công khai hoang, dạy dân biết sản xuất, chữa bệnh cứu người. Chử Đồng Tử được xem là vị tổ của nghề thương mại ở nước ta. Ngài được nhân dân tôn là một trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của thần linh Việt.
Đình Mát là công trình được khởi dựng từ sớm, tuy nhiên lúc đó quy mô nhỏ chỉ là một hạng mục hình chữ Nhất. Đến thời Nguyễn năm Tự Đức thứ 08 (1855) đình được trùng tu, tôn tạo lại với quy mô hình chữ Đinh. Đến năm Mậu Dần (1878), hai cụ Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Duy Trịnh đứng ra hưng công trùng tu đình với quy mô lớn. Lúc này, ngôi đình gồm 05 tòa với 27 gian. Nhưng đến năm 1954, ngôi đình bị bom đạn của Thực dân Pháp phá hủy một phần. Sau này, chính quyền và nhân dân địa phương tu tạo lại ngôi đình với quy mô kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 05 gian Đại bái, các bộ được làm kiểu chồng rường đấu kê và 03 gian Hậu cung làm theo kiến trúc giả cổ, kết cấu các bộ vì theo kiểu vì kèo đơn giản. Hiện nay, các hạng mục kiến trúc của đình còn vững chãi mang đậm nét mỹ thuật thời Nguyễn.
Hiện nay, đình còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị tiêu biểu như: 04 cỗ kiệu, 01 chuông đồng thời Nguyễn, 03 pho tượng đồng có niên đại gần 200 năm cùng nhiều hiện vật, đồ thờ.
Hằng năm, đến ngày mồng 10 tháng 02 âm lịch nhân dân lại tổ chức hội làng để tưởng nhớ đến công lao của ba vị thần hoàng.
Từ những giá trị hiện hữu về kiến trúc, đình Mát được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” tại Quyết định số 2522/QĐ-UBND ngày 07/12/2006.