Đình Đông Khúc có mặt tiền hướng Tây Nam, nằm ở giữa thôn Đông Khúc, xã Vĩnh Khúc.
Đền thờ Triệu Quang Phục - một danh tướng thời Tiền Lý (thế kỷ VI) đã cùng Lý Nam Đế đánh đuổi quân Lương. Khi Lý Nam Đế mất, ông tự xưng là Triệu Việt Vương đứng lên xây dựng căn cứ đầm Dạ Trạch (Khoái Châu) chiến đấu với quân Lương giành thắng lợi, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Phối thờ cùng với Triệu Quang Phục còn có em trai ông và ba người vợ của ông là Hoàng Bà Châu Quý phi, Bảo Thọ Bà Quý phi và Bạch Sam Hộ Quý phi.
Đình được khởi dựng từ khá sớm ở đầu làng Vĩnh Khúc. Đến thế kỷ XVIII, đình được chuyển về giữa làng. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, ngôi đình được sử dụng vào những mục đích khác nhau nên đã xuống cấp và không còn nguyên bản. Chính quyền và nhân dân dịa phương đã từng bước tu sửa lại các hạng mục công trình. Hiện nay, đình có kiến trúc chữ Tam gồm 03 toà: Đại bái, Trung từ và Hậu cung. Tòa Đại bái gồm 05 gian, kiến trúc chồng rường đấu kê, được phục dựng lại năm 2007. Toà đệ Nhị 03 gian 02 chái làm bốn mái truyền thống và Hậu cung 03 gian được trùng tu năm 1992 và 2009, kiến trúc đơn giản. Tại đình hiện còn lưu giữ một số hiện vật quý như: ngai thờ, nhang án, mâm bồng, bài vị và đặc biệt là 05 đạo sắc phong thời Nguyễn.
Theo lệ cũ, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch (ngày sinh ba vị Qúy phi), chính quyền và nhân dân địa phương lại nô nức mở hội để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần. Trong lễ hội, bên cạnh các nghi thức tế lễ long trọng, làng còn tổ chức hát ca trù, hát chèo và một số trò chơi dân gian đặc sắc. Ngoài ra, vào ngày 12 tháng 06 (ngày Triệu Quang Phục tế cờ xuất trận đánh giặc) và ngày mồng 10 tháng 10 (ngày hóa của 5 vị Thánh), làng cũng tổ chức tế lễ. Nghi thức diễn ra đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng và những yếu tố truyền thống của dân tộc.
Với các giá trị tiêu biểu đó, đình Đông Khúc được xếp hạng là di tích “Lịch sử - Văn hóa” cấp tỉnh tại Quyết định số 2859/QĐ-UBND ngày 30/12/2009.