Đình, chùa, miếu Tần Tranh thuộc địa phận thôn Tần Tiến, xã Minh Tân.
Đình thờ Đỗ Quốc Uy và hai người em gái là Phương Dung và Bạch Hoa công chúa, là con của người làm nghề chài lưới. Các vị có công giúp Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa chống lại quân Tô Định nhà Hán xâm lược đem lại nền độc lập tự chủ cho nhân dân.
Miếu (miếu chùa Chuông, miếu Bà Đò) là nơi thờ Pháp Vũ. Bà là một trong bốn vị thánh của Tứ pháp (pháp Vân, pháp Vũ, pháp Lôi, pháp Điện). Pháp Vũ có công âm phù giúp Đỗ Quốc Uy đánh giặc giành thắng lợi. Ngoài ra, Bà còn giúp nhân dân được mưa thuận gió hoà, mùa màng cây trái tốt tươi.
Chùa là nơi thờ Phật Thích Ca Mầu Ni, nơi khuyên răn con người sống hướng thiện. Ngoài ra, đây còn là nơi thờ Mẫu.
Cụm di tích đình, chùa, miếu Tần Tranh được khởi dựng từ sớm và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tu sửa. Đình tu sửa lớn vào thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái và Khải Định. Hiện nay, các hạng mục kiến trúc mang đậm phong cách thời Nguyễn. Đình có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh. Đại bái 03 gian 02 chái và Hậu cung được chia làm hai phần: cung trong và cung ngoài. Các bộ vì làm kiểu giá chiêng con nhị. Trên các bức cốn của toà Đại bái và trên cửa Hậu cung chạm cầu kỳ, tinh xảo đề tài tứ linh, tứ quý hoá tứ linh, hoa cúc dây,…
Chùa Tần Tranh có mặt tiền hướng Nam nhìn ra cánh đồng. Năm 1950, chùa bị phá hủy và những năm gần đây chùa được phục dựng lại. Chùa có kết cấu chữ Đinh gồm 03 gian 02 dĩ tiền đường và 01 gian thượng điện. Phía trước hiên gian giữa dựng tiền sảnh cao 05 tầng 20 mái đao cong vút. Các bộ vì làm kiểu cuốn vòm với hai hàng cột vững chãi. Thượng điện bài trí các lớp tượng chính của chùa như Tam thế, Adiđà,…
Miếu Chùa Chuông có kiến trúc kiểu phương đình hai tầng tám mái, các cấu kiện làm đơn giản.
Hằng năm, vào ngày 15 tháng 03 âm lịch nhân dân lại tổ chức lễ hội tại cụm di tích để ôn lại truyền thống, thuần phong mỹ tục của cha ông. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu và diễn ra các trò chơi dân gian.
Từ những giá trị hiện hữu về mặt kiến trúc, đình - chùa - miếu Tần Tranh đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc lịch sử” theo quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 26/01/2011.