Đình Bồng Châu được xây dựng ở cuối làng Bồng Châu, xã Phú Cường. Đây là một vùng bãi bồi rộng lớn giữa sông Hồng.
Đình thờ 15 vị Thành hoàng trong đó có 11 nam thần và 04 nữ thần là: Phổ Hộ Thượng Sĩ tối linh Đại Vương, Thiên Trung đại tướng Linh Lôi Đại Vương, Hồng Nương công chúa (là mẹ của hai ông, cả ba mẹ con đều là tướng của Hai Bà Trưng thế kỷ I sau CN), Lê Tiến Sở, Hoàng Triển Tầm, Thiên Phụ Truyền Thánh, Đô Tướng Thiên Vương, Tràng Long, Uy Linh, Phổ Hộ, Đô Đại Linh Quang, Trung Thành, Nương Lạ Hồng Tiên, Kha Nương và Mẫu Liễu Hạnh. Đây là các vị đẳng thần thời Hùng Vương và Hai Bà Trưng, những người đã có công với nước với dân và được các triều đại phong kiến ban sắc phong thần.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đình Bồng Châu là nơi đặt trạm giao liên giữ đường dây liên lạc giữa hai quân khu Tả và Hữu ngạn sông Hồng. Đây là nơi đón bộ đội vượt sông mỗi khi mở chiến dịch; cũng là nơi chuyển vũ khí, thương binh ta, tù binh địch ra khu an toàn. Từ năm 1951 đến năm 1954, đình Bồng Châu là nơi thường xuyên có các đơn vị thuộc Trung đoàn chủ lực 42 đến đóng quân. Ngày 7/11/1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về Bồng Châu thăm hỏi tình hình làm thuỷ lợi và đời sống của bà con ngay tại đình làng.
Tương truyền, đình Bồng Châu được xây dựng khá sớm và được di chuyển nhiều lần, lần gần đây nhất là vào thời Nguyễn, năm Mậu Thìn (1928). Đình có kiến trúc kiểu chữ Quốc gồm 05 gian Đại bái, Trung từ, 03 gian Hậu cung và 02 dãy Giải vũ. Các hạng mục được làm từ gỗ lim, trên các cấu kiện chạm khắc tỉ mỷ, chau chuốt các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa dây,...
Tại đình còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử như: các bức đại tự, câu đối, kiệu bát cống, kiệu song loan, hệ thống ngai, bài vị, hạc gỗ, chuông đồng thời Hậu Lê,… Đặc biệt, một điều hiếm có là di tích còn lưu giữ được 69 đạo sắc phong của các triều Lê và Nguyễn.
Để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng, hằng năm nhân dân thôn Bồng Châu đều tổ chức lễ hội vào các ngày mồng 9, 10 tháng Giêng; ngày mồng 10 tháng 3 và ngày 10 tháng 11 âm lịch. Trong phần lễ có các hoạt động như: rước kiệu thánh, rước kiệu nước, trong đó rước kiệu nước được tổ chức 5 năm một lần. Kiệu rước nước đi vòng quanh làng, sau đó đến ngã ba sông Giáng, xuống thuyền ra giữa dòng lấy nước đem về cúng tế quanh năm. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Chơi cờ tướng, bóng chuyền, hát quan họ giao lưu,…
Từ những giá trị thực tế trên, đình Bồng Châu được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích “Lịch sử nghệ thuật” cấp Quốc gia tại Quyết định số 226 -VH/QĐ ngày 05/02/1994.