Xuân Dục - vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cần cù trong lao động, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Dọc theo trục đường liên xã đến địa phận thôn Xuân Nhân chúng ta sẽ thấy Khu lưu niệm tướng quân Nguyễn Thiện Thuật tọa lạc ngay bên đường, xung quanh là khu dân cư quần tụ cùng ngôi chùa Xuân Nhân (chùa Sùng Bảo) cổ kính đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1994 và Nhà lưu niệm lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên và Liệt sỹ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Thị Kính (Trần Thị Khang) được xếp hạng cấp tỉnh năm 2018.
Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật là địa điểm tưởng niệm, nơi an nghỉ cuối cùng của Nguyễn Thiện Thuật (còn gọi là Tán Thuật) - nhà yêu nước, người con ưu tú của quê hương Xuân Dục (Mỹ Hào, Hưng Yên), thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất và có tiếng vang lớn nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong phong trào "Cần Vương" chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Sự nghiệp của ông đã để lại cho chúng ta một tấm gương quý báu về ý chí kiên cường, đấu tranh anh dũng chống lại thực dân Pháp. Tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã trở thành niềm tự hào và kiêu hãnh của mảnh đất và con người Hưng Yên, tô đậm trang sử hào hùng chống quân xâm lược của dân tộc ta.
Ảnh) Toàn cảnh khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật
Nguyễn Thiện Thuật (1844 - 1926) tự Mạnh Hiếu, người làng Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào (nay thuộc làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào). Sinh trưởng trong một gia đình nho học nghèo, ông đậu tú tài năm 1870. Năm 1874, Ông được cử làm Bang biện phủ. Năm 1876, đậu cử nhân và giữ chức tri phủ phủ Từ Sơn. Năm Kỷ Mão (1879), ông giữ chức Tán tương quân thứ; đến năm 1881, giữ chức Hương Hóa sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân thứ tỉnh Sơn Tây. Vì vậy, đương thời gọi ông là Tán Thuật hoặc Tán Đông (vì ông ở tỉnh Đông).
(Ảnh) Ban thờ Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, Nguyễn Thiện Thuật hai lần kháng lệnh triều đình, quyết tâm đánh Pháp. Lần thứ nhất, ông lui về Đông Triều liên lạc với Đinh Gia Quế - lãnh tụ của nghĩa quân Bãi Sậy, chiêu mộ và phát triển lực lượng nghĩa quân ở vùng đồng bằng. Lần thứ hai vào cuối năm 1883, sau khi ký hiệp ước Hác-Măng (Harmand), Nguyễn Thiện Thuật mang quân lên Hưng Hóa (Tuyên Quang), cùng với Nguyễn Quang Bích giữ thành. Tháng 3/1885, thành Lạng Sơn thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật trốn sang Long Châu (Trung Quốc) chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến đấu. Tháng 7/1885, Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật trở về nước thành lập căn cứ địa Bãi Sậy, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vua Hàm Nghi phong cho ông là “Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần gia chấn trung tướng quân”, các tướng lĩnh tài giỏi theo về rất đông. Bãi Sậy có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng - là cánh đồng mênh mông lầy lội với lau sậy um tùm nằm trong địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào, Yên Mỹ của tỉnh Hưng Yên, lại gần các trục đường giao thông quan trọng như tuyến đường Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Bắc Ninh,... Vì thế ngay từ khi quân Pháp đánh chiếm các tỉnh Bắc Kỳ (1883), Bãi Sậy đã được xây dựng thành một căn cứ chống thực dân Pháp của nghĩa quân Đinh Gia Quế. Từ năm 1885, với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự, Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục mở rộng khu căn cứ Bãi Sậy ra hầu khắp các phủ, huyện của tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Với sự lãnh đạo sáng suốt của Nguyễn Thiện Thuật, phong trào Cần Vương trên vùng đất Bãi Sậy nhanh chóng phát triển về mọi mặt, trở thành một trong những trung tâm chống Pháp lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX ở Bắc Kỳ.
Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 25/5/1926. Phần mộ của Ông được đặt trên quả đồi thuộc hương Quan Kiều, ngoại vi thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bia mộ khắc dòng chữ “Việt Nam cách mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật - Chi mộ”. Ngày 30/01/2005, di hài Ông đã được di chuyển về an táng tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật tọa lạc trên mảnh đất Xuân Nhân - nơi đặt trạm gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa, với tổng diện tích 1621,9m2; gồm nhiều hạng mục: cổng, nhà tưởng niệm, nhà bia, phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và bức tường phù điêu.
Từ ngoài vào công trình đầu tiên mà chúng ta bắt gặp là Cổng khu lưu niệm. Phía trước cổng là Cây đề cổ thụ, còn gọi là Cây đề Tán Thuật có tuổi thọ chừng 300 đến 400 năm tuổi - là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa. Cụ Tán Thuật đã cho quân lính ngày đêm trèo lên cây đề quan sát động tĩnh của quân địch tại đường 5. Từ cổng vào, qua khoảng sân nhỏ là đến khu thờ chính có kết cấu mặt bằng tổng thể kiểu chữ Nhất (一)gồm 03 gian, mặt tiền quay hướng Đông Bắc, kiến trúc đơn giản. Tại trung tâm của tòa nhà đặt một nhang án, trên ban thờ đặt di ảnh Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật cùng một số đồ thờ tự như: bát hương, đỉnh đồng, lọ hoa, hạc đồng,... Hình cụ Tán Thuật được thể hiện dưới dạng bán thân, đầu đội khăn xếp, mặc áo lương đen với vẻ mặt quắc thước tinh anh, hiền hậu mang phong thái của một nhà nho.
Trên tường hồi bên phải trưng bày khung ảnh gồm 17 ảnh với nội dung "Một số hình ảnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (4/1883 - 4/1892)" do ông Vũ Thanh Sơn cung tiến. Trong đó, có một số hình ảnh tiêu biểu như: Ngôi nhà làm trên nền nhà cũ - nơi ra đời và trưởng thành của Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển, Nguyễn Thiện Dương; Văn Chỉ Bình Dân (Khoái Châu) nơi Đinh Gia Quế (4/1883) và Nguyễn Thiện Thuật (9/1885) tế cờ; Đường tế cờ khởi nghĩa của Đề đốc Phạm Văn Ban ở Bối Khê đi Chu Xá (Ân Thi); Cầu Ngàng (Kim Động) nơi diễn ra nhiều trận đánh giữa nghĩa quân Bãi Sậy với quân Pháp (1883 - 1890);... Trên tường hồi bên trái trưng bày một số hình ảnh chụp phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Nhìn chung, kết cấu kiến trúc của nhà tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật khá đồng bộ, vững chắc; cùng với các hiện vật, đồ thờ tự được bài trí theo quy chuẩn. Tất cả đã thể hiện không gian tâm linh, trang trọng tưởng nhớ đến một vị lãnh tụ yêu nước chống Pháp kiên trung, một người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.
Ngoài khu thờ chính ra, trong khuôn viên di tích còn có nhà bia. Bên trong đặt tấm bia đá làm bằng chất liệu đá xanh nguyên khối ghi tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của Tướng Quân Nguyễn Thiện Thuật. Bia do Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hưng Yên (khi đó là Nhà văn Nguyễn Phúc Lai) soạn nội dung và được dựng vào tháng 6 năm Quý Mùi (2003).
Phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật được đặt ở phía sau nhà bia, có dạng hình hộp chữ nhật, ốp nhiều phiến đá đen tự nhiên. Phía dưới đặt di cốt của Tướng quân Nguyễn Thiệt Thuật được đưa từ Quảng Tây (Trung Quốc) về an táng vào đầu năm 2005. Phía sau phần mộ là bức phù điêu được sơn phủ ve đã phai màu theo thời gian, diễn tả các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy dưới sự lãnh đạo của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật.
(Ảnh) Phần mộ Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật
Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật là công trình di tích đặc thù có giá trị lịch sử văn hóa, là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất chống kẻ thù xâm lược, ý thức tự tôn dân tộc và là một trong những địa điểm quen thuộc của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng nhân dân về dâng hương, thăm viếng, tưởng nhớ và bày tỏ lòng mến phục, kính trọng, tri ân công lao, đóng góp to lớn của Tướng quân đối với quê hương, đất nước.
Với những giá trị tiêu biểu trên, Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 3077/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020.
Vũ Oanh