Miếu Nội Lăng được xây dựng trên khuôn viên đất rộng 4.420m2 tại thôn Nội Lăng, xã Thủ Sỹ. Thời kỳ kháng chiến chông Pháp, di tích được sử dụng làm nơi trú ẩn, hội họp bí mật của cán bộ 8 xã khu Tây huyện Tiên Lữ. Có thời kỳ cụ Lê Đình Tuyển (ủy viên phụ trách vùng nam Hưng Yên) và cụ Trần Văn Triện (cán bộ huyện ủy) đã về Miếu Nội Lăng để tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng.
Miếu là nơi tôn thờ Huệ Nàng Công chúa, phò mã Thái Bảo Trang Quốc Công cùng Nhị vị tướng quân là Lê Quảng Phúc và Lê Quảng Đức. Phối thờ cùng với các ngài còn có Vũ Công Thành (ông ngoại công chúa) và Lê Công (thân phụ Nhị vị Đại Vương). Các vị là những người có công dẹp giặc, khai khẩn đất hoang, dạy dân cày cấy, an cư lạc nghiệp. Sau khi hóa về trời, được tôn làm Thành hoàng làng, dựng miếu phụng thờ.
Miếu Nội Lăng được khởi dựng từ sớm, thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1952) miếu đã bị phá hủy. Năm 2007, chính quyền địa phương và nhân dân trong thôn đã cho khôi phục lại ngôi miếu trên nền móng cũ với bố cục hình chữ Đinh theo phong cách kiến trúc cổ truyền. Tiền tế 05 gian, các bộ vì được tạo tác theo kiểu chồng rường đấu kê. Hậu cung 03 gian, kiến trúc vì kèo đơn giản không trang trí hoa văn. Miếu còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như: 01 tấm bia đá thời Mạc (1626), khám thờ, đại tự, tượng thờ,…
Hằng năm, lễ hội tại di tích diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 03 âm lịch để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị Thành hoàng. Trong lễ hội ngoài phần tế lễ trang nghiêm, còn có phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi: thi đan đó, chọi gà, giao lưu văn nghệ, cờ tướng, kéo co…,
Miếu Nội Lăng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử” theo Quyết định số 1727/QĐ-UBND, ngày 27/9/2012.