Hàng năm, cứ đến ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch, người dân làng Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên lại tưng bừng mở hội Nam Trì. Đây là một lễ hội tế thần đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Đối tượng được người dân nơi đây suy tôn là ba vị Thành hoàng làng: Bảo, Lang, Biền, là những người đã có công trừ ác, làm thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng.
Danh Lang hiệu là Lang Công, tướng ba đời nhà Triệu nước Nam Việt; Thừa tướng 4 đời nhà Triệu; Lữ Gia hiệu là Bảo Công; Tướng quốc Cao Biền. Khi Lang Công, Bảo Công, công chúa Hùng vương Lâu nương (Phu nhân Lữ Gia) chết, người dân trong làng đã xây miếu phụng thờ. Sau khi Cao Biền chết, người dân phụng thờ cùng hai bị Bảo, Lang. Lễ hội Nam Trì còn gắn liên với một vị Thánh địa lý của Việt Nam là Tả Ao Vũ Đức Huyền, là người đã có công giúp dân Nam Trì dựng lại làng xóm, xây dựng đình chùa nên người dân đã phụng thờ ông để tỏ lòng biết ơn.
Hội Nam Trì là một nghi lễ tôn giáo tế Thần, xuất hiện từ thời thượng cổ. Lễ hội này vừa mang tính chất tín ngưỡng, vừa là văn hóa cộng đồng làng xã. Sau khi các Thần ở đây được tôn lên làm Thành Hoàng nên lễ hội được tổ chức theo nghi lễ tế Thành Hoàng. Đây là lễ hội chung của ba làng là Nam Trì, Bảo Tàng và Đới Khê.
Lễ hội thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Từ ngày mồng 8/3, người dân đã cùng nhau dọn hai khu đền miếu, rước Thần về sở Công đồng để làm lễ yết cáo, sau đó rước đi các nơi để làm lễ tắm Thánh. Ngày 09/3 là ngày lễ chính. Ngày 10/3 là làm lễ lại, lễ đón Cao Vương. Ngày 12/3, cả ba làng cùng làm lễ tạ.
Lễ vật được dâng lên Thành Hoàng gồm trâu, bò, lợn, gà, xôi, rượu, bánh mật. Phần hội diễn ra trong 10 ngày, người dân cùng ca hát, chơi cờ, đấu vật. Khi rã đám thì ba làng cùng dọn đình, sau đó rước Thần về làm lễ.