Lễ hội đền Tống Trân hay còn gọi là lễ hội đền Quan Trạng được tổ chức tại đền Tống Trân, thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đền Tống Trân là nơi tôn thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Tống Trân - một người tài danh của quê hương An Cầu.
Đền tọa lạc trên một khu đất đẹp thuộc địa phận thôn An Cầu. Ngôi đền nằm tách biệt với khu dân cư, có kết cấu kiến trúc "Tiền Nhất, hậu đinh" gồm ba gian tiền tế, 03 gian trung từ và 01 gian hậu cung. Các cấu kiện và thành phần kiến trúc đều được làm bằng gỗ tứ thiết, mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đền Tống Trân đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 2387/QĐ ngày 30/12/1991.
Hàng năm, từ ngày mùng 8 đến ngày 16 tháng 4 âm lịch, lễ hội đền Tống Trân được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của Ngài. Thành thông lệ, ngày mồng 8 tháng 4, Ban tổ chức lễ hội đền Tống Trân tổ chức làm lễ cáo yết; ngày mồng 9, tổ chức rước kiệu từ đền Tống Trân sang đền Phượng Hoàng; ngày mồng 10 tháng 4, tổ chức rước nước và rước nghiên bút. Đây là phần đặc sắc nhất, tạo sự khác biệt của lễ hội đền Tống Trân với các lễ hội khác. Sáng sớm ngày mùng 10, đoàn rước khởi hành, mở đầu cho đoàn rước là đội cờ, sau là phường Bát Âm, nhang án,, ngựa đỏ, theo sau là các các cụ hai giới cùng dân làng và du khách thập phương tham gia rước. Ra đến sông Luộc các nghi trượng, kiệu Tống Trân được để trên bờ, chỉ có kiệu chóe nước, bát bửu, đội cờ được mang xuống thuyền. Dưới sông, một chiếc thuyền lớn và năm chiếc đò nhỏ được bố trí để phục vụ đám rước. Việc lấy nước được thực hiện sau khi thầy pháp đã làm lễ xin nước tại vị trí xưa kia Trạng nguyên Tống Trân cầm quản bút ném xuống sông. Sau nghi lễ, vàng mã, hoa quả được thả xuống, sau đó thực hiện nghi lễ lấy nước. Các thao tác lấy nước cũng lắm công phu. Tại vị trí lấy nước được thả một vòng hoa đẹp. Nước được múc đầu tiên là từ đầu nguồn rồi xuống cuối nguồn và ngược lên đầu nguồn lần lượt 3 lần. Nước trước khi được đổ vào trong chóe phải được múc vào một chiếc lọ lục bình, khi cho vào trong chóe, miệng chóe được phủ một tấm vải điều rồi mới đổ vào 1/2 chóe. Trong khi các thuyền đang thực hiện nghi thức múc nước, ở đoạn sông đó mà có thuyền đi qua đều phải dừng lại, mọi người bái vọng về phía đoàn thuyền đang làm nghi lễ lấy nước. Sau thủ tục này, nước được sử dụng để bao sái (lau rửa) đồ thờ, tắm rửa các tượng tại đền. Số nước còn lại một phần vẩy ra bốn phía xung quanh đền để cầu mưa thuận, gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Phần còn lại, một số đình, đền, chùa trong làng xin nước về bao sái đồ thờ hoặc để thắp hương nhân ngày Rằm, mùng một.
Các ngày 11,12,13, Ban tổ chức và nhà đền tiếp đón các đoàn khách cùng đội tế của các địa phương khác; các gia đình và dòng họ trong làng tự sắm lễ để dâng thánh. Sang ngày 14 thì tổ chức khai mạc lễ hội và rước quần thần. Các kiệu rước được trang hoàng lộng lẫy, uy nghi tiến hành rước vùng quanh làng. Buổi sáng ngày 16 tháng 4, tiến hành làm lễ tạ khóa.
Cùng với những phần lễ đặc sắc thì phần hội cũng được tổ chức đa dạng các trò chơi dân gian như: đánh cờ người, chọi gà, bóng đá, bóng chuyền, thi nấu cơm; buổi tối có tổ chức hát trống quân đối đáp giữa các xóm trong làng, diễn lại tích chèo cổ Tống Trân - Cúc Hoa…
Lễ hội đền Tống Trân là một lễ hội lớn có lịch sử lâu đời, được bảo tồn và phát huy từ nhiều đời nay ở làng An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đây là dịp tưởng nhớ đến Lưỡng quốc Trạng nguyên Tồng Trân - một bậc hiền tài, đã trọn vẹn cả chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Nghĩa. Qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, tỏ lòng tri ân của nhân dân với Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ngày 03/02/2021, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã ban hành Quyết định số: 65/QĐ-BVHTT về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Lễ hội Tống Trân, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.