Đình Văn Nhuệ được xây dựng trên thế đất “Tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ” (phía trước giống chòm sao Chu Tước, phía sau giống chòm sao Huyền Vũ) ngay đầu làng Văn Nhuệ, xã Văn Nhuệ. Mặt tiền đình nhìn ra cánh đồng, phía xa là dòng sông Cửu An hiền hoà.
Đình thờ 03 vị tướng thời vua Hùng là Vũ Quang Ngọc, Vũ Quang Nghĩa và Vũ Kim Huy. Đây là ba vị tướng có công dẹp giặc, cứu nước, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân nên được tôn làm Thành hoàng làng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thực dân Pháp đã cho quân truy lùng gắt gao các chiến sỹ cách mạng nằm vùng trong khu vực. Chúng nhốt họ trong đình rồi đem ra xử bắn trước cửa đình để thị uy dân chúng.
Đình Văn Nhuệ được trùng tu, xây dựng lớn vào thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 12 (1900) và Duy Tân thứ 5 (1911) với có kiến trúc chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Tòa Đại bái gồm 05 gian, kiến trúc kiểu chồng rường đấu kê. Tại gian trung tâm trang trí nhiều đề tài như: long quần, tứ linh, tứ quý, trúc hóa rồng, hoa dây cách điệu,… đường nét chạm rất công phu, tinh xảo. Hậu cung 05 gian, kiến trúc chồng rường đấu kê, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Bộ khung chịu lực của ngôi đình được làm từ gỗ lim nên rất bền đẹp và vững chắc, có giá trị kiến trúc và mỹ thuật cao.
Tại đình còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: 01 lục bình và 01 đĩa thời Nguyễn, kiệu bát cống, đại tự, câu đối, bát hương,…
Đình Văn Nhuệ được UBND tỉnh ra Quyết định số 2570/QĐ-UBND, xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” ngày 24/12/2008.