Đình Tất Viên là một ngôi đình cổ toạ lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng tại thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ. Mặt tiền đình quay hướng Tây, phía trước di tích là một cây gạo cổ thụ soi mình xuống hồ nước rộng lớn.
Đình được khởi dựng từ sớm, trùng tu vào thời Nguyễn niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1928). Đình thờ bà Hoàng Thị Huệ, sống vào thời Thục Vương. Bà là một người con địa phương, tài sắc vẹn toàn. Bà được coi là vị tổ của nghề đan đó ở trong vùng. Phối thờ tại đình còn có hai người con trai của Bà là Quảng Phúc và Quảng Đức. Các vị đều là người có công chống giặc ngoại xâm vào thời Thục vương. Sau khi hóa về trời được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng, dựng đình thờ phụng muôn đời. Hiện tại, đình Tất Viên có bố cục hình chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 05 gian 02 dĩ, làm theo kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng. Trên các bộ vì nách chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý với linh vật rồng làm chủ đạo. Tất cả được thể hiện trong tư thế động, nét chạm như nét vẽ, tinh xảo và khéo léo. Hậu cung 02 gian, là nơi đặt ban thờ các vị Thành hoàng làng. Hệ thống vì làm kiểu vì ván mê, các cấu kiện được bào trơn, đóng bén.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, đình Tất Viên còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Năm 1946, di tích là địa điểm bầu cử Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nơi mở hội nghị tuyên truyền, vận động “tuần lễ vàng” của nhân dân địa phương. Đồng thời, nơi đây cũng được sử dụng làm nơi thành lập đội dân quân tự vệ của địa phương để bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày nay, di tích được tu sửa khang trang làm nơi sinh hoat văn hóa tín ngưỡng cho nhân dân trong xã.
Lễ hội truyền thống đình làng Tất Viên được diễn ra từ ngày mồng 04 đến mồng 06 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tưởng nhớ đến công lao của các vị thành hoàng. Trong lễ hội chính quyền địa phương tổ chức tế lễ tại đình, bên ngoài diễn ra các trò chơi dân gian thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân cùng tham gia dự hội. Đây được xem là một nét đẹp truyền thống, góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật trong đó có những cổ vật rất giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật như: lục bình, đại tự, kiệu long đình,….
Đình Tất Viên được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh theo Quyết định số 106/QĐ-UBND, ngày 21/10/2008.