Đình Sâm Khố toạ lạc ở giữa cánh đồng làng Xâm Trong thuộc xã Thắng Lợi.
Đình thờ Linh Lang Đại vương, sống vào thời Lý. Theo truyền thuyết: Ông là vị Hoàng tử con vua Lý Thánh Tông với cung phi Hạo Nương (Hiếu Nương). Hạo Nương quê ở xã Bồng Lai (phủ Quốc Oai), sống và gặp vua ở đất Thị Trại (nay là Thủ Lệ). Hạo Nương đi tắm ở hồ Tây, gặp giao long nổi lên quấn lấy người, từ đó mang thai và sinh ra đứa bé có tướng mạo khôi kỳ, lưng có 28 vì tinh tú, bụng có chùm sao Bắc Đẩu, đặt tên là Hoàng Lang.
Một thời gian sau, đất nước có giặc Trình Vĩnh từ phương Bắc kéo đến. Thế giặc mạnh, vua cho người đi cầu thỉnh các bậc anh hùng hào kiệt các nơi về đánh giặc. Hoàng Lang bỗng bật dậy nói với mẹ, cho gọi người vào và dặn về tâu vua làm cho một lá cờ cán dài 10 trượng và cho một con voi lớn để đi đánh giặc. Hoàng Lang lắc mình, thân hình trở nên to lớn, cầm lá cờ và cưỡi voi xông thẳng tới chỗ quân địch, hét lớn: “Ta là Thiên tướng”. Hoàng Lang giết tướng giặc và phá tan quân giặc Trình Vĩnh.
Thắng trận trở về, nhà vua muốn nhường ngôi cho Hoàng Lang nhưng ngài nhất mực từ chối. Sau đó, Hoàng Lang hóa thành con rắn trắng lặn xuống hồ Tây. Nhà vua thương tiếc cho lập đền thờ ở quê mẹ, ở Thị Trại và nhiều nơi khác, cứ nơi có lá cờ của Hoàng Lang bay đến và có sự hiển ứng thì thờ phụng. Phong thần là Linh Lang Đại vương.
Đình Sâm Khố được khởi dựng từ thời Lê với kết cấu hình chữ Công gồm: Đại bái, Trung từ và Hậu cung. Năm 1953, thực dân Pháp đốt phá hoàn toàn ngôi đình cổ. Sau đó, nhân dân đã phục dựng lại đình trên nền móng cũ. Hiện nay, đình Sâm Khố có kiến trúc chữ Tam nhưng quy mô nhỏ hơn xưa với Đại bái gồm 05 gian, kiến trúc vì kèo đơn giản. Tiếp đến là Trung từ 03 gian, kết cấu vì giá chiêng, các cấu kiện để trơn không chạm trổ hoa văn. Hậu cung 03 gian, kiến trúc vì kèo đơn giản. Tại đình còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu là 13 đạo sắc phong thời Lê và Nguyễn, chuông đồng, kiệu bát cống,…
Hằng năm, lễ hội tại đình được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch (05 năm tổ chức lớn một lần) để tưởng nhớ công lao của các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp ôn lại thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, đình Sâm Khố được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử văn hoá” cấp tỉnh tại Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 09/01/2008.