Đình Phương Trù toạ lạc trên mảnh đất cao ráo, thoáng rộng ở đầu thôn Phương Trù, xã Tứ Dân.
Đình thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18) và Tây Sa công chúa. Các vị đi vào tâm thức dân gian và trường tồn qua năm tháng, mặc bao biến thiên của lịch sử, không chỉ là biểu tượng bất diệt của tình yêu mà còn tượng trưng cho chí hướng phát triển cộng đồng, khai phá khu vực đầm lầy chiêm trũng thành cánh đồng trù phú, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, mở mang việc buôn bán thông thương,… góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp. Bởi thế, Chử Đồng Tử được nhân dân suy tôn là một trong bốn vị thánh bất tử của thần linh Việt. Ngoài ra, trong thời kỳ kháng chiến, đình còn là nơi nuôi giấu cán bộ về hoạt động cách mạng trong vùng này, là nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa quân dân ta với thực dân Pháp năm 1953.
Đình Phương Trù được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê, trải qua thời gian chiến tranh ngôi đình đã bị phá huỷ. Năm 1953, nhân dân địa phương đã tiến hành phục dựng lại trên nền móng của ngôi đình cũ theo kiểu chữ Vương gồm: Đại bái 05 gian 02 chái, Ống muống ngoài 03 gian (dọc), Trung từ 05 gian 02 chái, Ống muống trong 02 gian (dọc) và Hậu cung 03 gian 02 chái. Các bộ vì được tạo tác kiểu giá chiêng, chồng rường giá chiêng con nhị, kiểu vì kèo hoặc cuốn vòm. Trên các cấu kiện trang trí hoa văn đơn giản kiểu hình đao lửa, hoa dây cách điệu.
Hiện nay, tại đình còn lưu giữ một số hiện vật bằng gỗ có giá trị như: 19 đạo sắc phong thời Nguyễn, hệ thống hoành phi, câu đối, cuốn thư, 03 cỗ kiệu bát cống, 01 kiệu long đình, 03 bộ ngai và bài vị cổ, 02 bức châm,…
Đình Phương Trù từ xưa đến nay cứ hai năm lại tổ chức lễ hội một lần. Trước kia, lễ hội thường bắt đầu từ ngày mồng 1 đến hết ngày 30 tháng 02 âm lịch. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và lễ rước nước (ngoài rước 04 kiệu của đình còn rước 24 kiệu của 12 giáp xã Phương Trù xưa). Mỗi giáp trong xã phải chuẩn bị cả cỗ chay và cỗ mặn để cúng thánh. Trong những ngày lễ hội thường tổ chức các trò chơi và biểu diễn văn nghệ như hát cô đầu, hát chèo. Ngày nay, lễ hội được rút ngắn lại từ ngày mồng 07 đến mồng 09 tháng 02 âm lịch và các thủ tục cũng đơn giản hơn xưa nhưng vẫn đảm bảo được tính thiêng của một lễ hội truyền thống.
Đình Phương Trù được xếp hạng là di tích “Lịch sử - văn hoá” cấp tỉnh theo Quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 23/10/2006.