Đình Phúc Thọ được xây dựng trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, xung quanh là khu dân cư quần tụ tại thôn Phúc Thọ, xã Nghĩa Trụ. Mặt tiền đình hướng Đông Bắc, nhìn ra dòng sông Nghĩa Trụ uốn khúc quanh co, đem phù sa về với đồng ruộng.
Đình là nơi tôn thờ Hoa Kiều Lang Đại vương - người có công phò vua đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên (thế kỷ XIII), bảo vệ nền độc lập tự chủ của Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi hội họp và chỉ đạo nhân dân kháng chiến, nơi đưa tiễn bao lớp thanh niên trong vùng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước.
Đình Phúc Thọ được khởi dựng vào thời Trần. Trải qua thời gian, ngôi đình xưa không còn. Năm 2011, đình được phục dựng trên nền đất cũ với kết cấu hình chữ Đinh (丁) gồm 05 gian Đại bái và 02 gian Hậu cung theo lối giả cổ mô phỏng phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: ngai, bài vị, nậm rượu, giá văn, sắc phong,…
Hằng năm, lễ hội đình Phúc Thọ được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 02 (âm lịch) để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng. Nghi thức tế lễ diễn ra đơn giản hơn lễ hội xưa nhưng vẫn đảm bảo được sự trang trọng và các yếu tố truyền thống. Bên cạnh đó, làng cũng tổ chức các trò chơi như bóng bàn, cờ tướng,... và giao lưu văn nghệ, khiến ngày hội làng vô cùng đông vui, náo nhiệt.
Từ những giá trị còn hiện hữu, đình Phúc Thọ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử” cấp tỉnh tại Quyết định số 2478/QĐ-UBND ngày 23/12/2013.