Đình Phi Liệt (Vu Sinh Từ) toạ lạc ngoài đê tách biệt với khu dân cư thuộc thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa. Đình có mặt chính hướng Tây Bắc, ba mặt giáp khu Bãi Sậy (thường gọi là Bến Tam Giang) giữa bốn bề cây xanh thoáng đãng.
Theo thần tích và truyền ngôn của nhân dân địa phương: Đình Phi Liệt gắn liền với tên tuổi của Thạch Thần Đại vương. Ông họ Lỗ, tên Thạch Công, sinh ra tại làng Phi Liệt, phủ Thuận An, huyện Tế Giang, tỉnh Bắc Ninh. Vốn nổi tiếng là người tài cao đức trọng, giỏi cung tên và binh pháp. Thạch Công được quan chủ quản địa phương tiến cử với triều đình nhà Lý. Ông đã lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, bảo vệ bờ cõi đất nước. Sau khi hóa, Thạch Công còn nhiều lần hiển linh, âm phù giúp nhà Lê đánh thắng giặc Minh. Ông được các triều đại phong là “Thượng đẳng tối linh thần Thạch Thần Đại vương” và cho phép nhân dân xã Phi Liệt đời đời thờ phụng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, đình Phi Liệt là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của địa phương như: năm 1952, quân dân địa phương kết hợp với bộ đội tỉnh Hưng Yên đánh thắng tầu chiến của Pháp đỗ trước cửa đình. Vào năm 1967 - 1968, đình là nơi huyện đội Văn Giang tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ bổ sung cho chiến trường Miền Nam. Những năm 1970 - 1971, đình là địa điểm Đoàn 559 tổ chức mít tinh giao quân cho chiến trường miền Nam.
Theo truyền ngôn, đình Phi Liệt được khởi dựng từ thời Lý. Trải qua thời gian, đặc biệt là hai lần vỡ đê Phi Liệt vào các năm 1871 và 1898, đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1972, chính quyền địa phương đã cho dỡ bỏ đình và phục dựng lại trên nền cũ vào năm 1993. Hiện nay, đình có kết cấu kiểu “Tiền Nhất hậu Công” gồm Đại bái, Trung từ, Ống muống và Hậu cung. Tòa Đại bái 05 gian, các cấu kiện kiến trúc được làm theo lối bê tông giả cổ. Trung từ 05 gian, xây kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái. Tòa Ống muống 03 gian và Hậu cung 03 gian, các bộ vì được làm kiểu vì kèo quá giang đơn giản, bào trơn đóng bén chắc khoẻ. Hậu cung là nơi đặt khám và tượng thờ Thành hoàng làng. Tại đình còn bảo lưu được một số hiện vật thời Nguyễn tiêu biểu như: khám thờ, tượng, ngai và bài vị, nhang án, choé, quán tẩy,…
Hằng năm, lễ hội truyền thống tại di tích được tổ chức vào ngày 15 tháng 03 âm lịch (Lễ Kỳ Yên). Trong lễ hội có diễn ra các hoạt động tế lễ, rước kiệu Thánh, rước nước, thi bóng chuyền, cầu lông, hát quan họ, hát chèo,… thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, vào ngày 15 tháng 08 âm lịch, làng cũng tổ chức tế lễ để tưởng nhớ đến ngày hóa của Thành hoàng.
Đình Phi Liệt được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử” cấp tỉnh tại Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 22/3/2012.