Đình Nội Doanh là di tích gắn liền với tên tuổi của Tứ vị Đại vương họ Đinh (thời Hùng Vương) là: Đinh Lương (còn gọi là Đinh Lang), Đinh Long, Đinh Hải, Đinh Lôi. Các ngài có công đánh tan 30 vạn quân xâm lược Man Hồ Tôn Tinh, chém đầu tướng Ha La góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc, nên được Vua Hùng ban cho thực ấp ở vùng Khoái Châu. Trải qua các triều đại, các ngài thường hiển linh, phù giúp đất nước, che chở cho nhân dân, nên được nhiều triều vua ban sắc phong cho nhân dân vùng Mạn Trù Châu (thuộc địa phận xã Tân Châu và Đông Ninh, huyện Khoái Châu ngày nay) dựng miếu hương hỏa thờ phụng.
Đình Nội Doanh được khởi dựng từ thời Trần trên gò đất cao nằm giữa cánh đồng tại thôn Nội Doanh 2, xã Đông Ninh. Mặt tiền đình hướng Tây Nam, toạ lạc trong khuôn viên rộng khoảng 1ha. Trải qua thời gian, đình được trùng tu, tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn nên mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Nguyễn, với kết cấu kiểu chữ Đinh (丁) gồm các hạng mục: Đại bái và Hậu cung. Đại bái 05 gian, các bộ vì được tạo tác kiểu chồng rường giá chiêng, các con rường chạm cách điệu vân xoắn, trên các bức cốn được chạm nông, bong kênh chủ đề tứ linh, tứ quý. Hậu cung gồm 03 gian, kiến trúc kiểu vì kèo trụ trốn hai hàng chân cột. Hiện tại, đình còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: Ngai thờ thời Nguyễn, hoành phi, câu đối, thần phả, 07 đạo sắc phong thời Nguyễn,…
Hằng năm, vào ngày 21 tháng Chạp, dân làng Nội Doanh (Nội Doanh 1 và Nội Doanh 2) lại nô nức mở hội, làm lễ tế mục dục. Trong lễ hội có tục rước nước cổ truyền của cư dân ven sông Hồng, lấy nước về dâng cúng, tế thánh trong một năm tiếp theo.
Với các giá trị tiêu biểu đó, đình Nội Doanh được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh theo Quyết định số1649/QĐ-UBND ngày 14/8/2006.