Đình Minh Lý được xây dựng trên thế đất đầu rồng tại thôn Minh Lý, xã Hoàng Hoa Thám. Đình có mặt tiền hướng Bắc, nhìn về sông Cửu Nguyên, ba mặt còn lại giáp khu dân cư đông đúc. Đình tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 3500m2, với nhiều hạng mục công trình cùng cây đa, giếng nước, sân đình tạo nên không gian văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
Đình thờ tam vị Đại vương thời Thục Phán An Dương Vương gồm vị đệ nhất là Hiển Công Cao Sơn Hiển ứng Hộ Quốc Đại vương, vị đệ tam là Sùng Sơn Hùng lược Tế thế Hùng vương và vị đệ tứ là Sùng Sơn Chính trực Trợ thuận Đại vương. Ba vị đã có công giúp vua đánh giặc cứu nước, khai phá điền thổ, mở mang điền trại cùng dân làng xây dựng quê hương.
Đình Minh Lý được khởi dựng từ khá sớm, ban đầu có tên là đình Ngã - chung giữa hai trại. Khi đình Ngã bị hư hỏng, nhân dân mỗi làng đã xây cho mình một ngôi đình riêng. Trại Minh Lý xây đình trên phần mộ Tiết Chế nhạc phủ Đại tướng quân Cao Sơn Quý Minh đại vương. Ngôi đình có quy mô lớn nhưng vào một năm đại hồng thủy đã bị nước cuốn trôi. Đến thời Nguyễn (1928) dân làng góp công, góp của xây dựng lại với kiến trúc chữ Công gồm: Đại bái, Thiêu hương và Hậu cung. Đại bái gồm 05 gian 02 dĩ, các bộ vì được làm kiểu chồng rường giá chiêng. Các vì nách chạm cầu kỳ, tinh xảo các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa dây, đao lửa,… Thiêu hương 02 gian, các bộ vì làm kiểu ván mê. Hậu cung 03 gian, kiến trúc đơn giản. Đây là nơi đặt ban thờ các vị Thành hoàng.
Tại đình còn lưu giữ được một số hiện vật tiêu biểu là: 05 ngai và bài vị, 02 nhang án, chuông đồng, đại tự, câu đối, kiệu.
Hằng năm, tại đình Minh Lý diễn ra lễ hội từ ngày mồng 09 đến 11 tháng 03 âm lịch để ghi nhớ công ơn của các vị Thành hoàng.
Đình Minh Lý được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh vào ngày 23/10/2006 tại Quyết định số 2111/QĐ-UBND.