Đình Đông được xây dựng trên khu đất thoáng rộng tại phía Đông khu phố Nhân Dục, phường Hiến Nam, ba phía đình giáp khu dân cư đông đúc.
Đình thờ Đương Đình Đại vương và Châu Lân Đại vương. Hai ngài cùng với Thiều Bửu và Tuấn Lương Đại vương (hiện thờ tại đình Đoài cùng khu phố) là bốn anh em. Họ cùng kết nghĩa anh em với Nam Hải Đại vương (thờ ở đền Trạ, khu phố Chùa Chuông). Các ngài là những người có công giúp dân làng chống thiên tai, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Theo lời các cụ cao niên địa phương, trước đây đình Đông có quy mô lớn, phía trước còn có tòa Đại bái 05 gian và Thiêu hương làm kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Nhưng trong kháng chiến đã bị bom làm phá hỏng. Đình hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm hai toà Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 05 gian, được làm kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì làm kiểu con chồng đấu kê. Hậu cung 02 gian, kiến trúc đơn giản, bộ vì làm kiểu chồng rường giản thể. Các hạng mục mang phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Nguyễn. Đây là di tích có quy mô tương đối lớn, kiến trúc tổng thể còn đồng bộ, các mảng chạm khắc hoa văn mang tính nghệ thuật cao.
Tại đình còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Ngựa gỗ, đại tự, câu đối,… đặc biệt là 02 cỗ kiệu đầu thời Nguyễn, sắc phong thời Nguyễn.
Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng 03 và ngày mồng 10 tháng 11 âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của các vị Thành hoàng. Lễ hội đình Đông được tổ chức chung với đình Đoài và đền Trạ cùng thuộc phường Hiến Nam tạo nên không khí đầm ấm, vui tươi, sự gắn kết cộng đồng.
Đình Đông được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2522/QĐ-UBND xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh vào ngày 07/12/2006.