Đình Đông Tảo Đông toạ lạc trên một gò đất cao rộng mang hình dáng mai rùa, trong khuôn viên rộng 2.995m2 được bao phủ bởi nhiều cây cổ thụ xanh tốt ở đầu thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo.
Đình là nơi tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung và Tây Sa công chúa thời vua Hùng dựng nước. Chử Đồng Tử được nhân dân ta suy tôn là một trong “Tứ bất tử” của thần linh Việt. Ông còn được xem là ông tổ của ngành thương mại nước ta, là người đầu tiên mở mang việc thông thương buôn bán với quốc tế. Ngoài ra, phối thờ cùng ba vị thánh tại đình là hai vị Thành hoàng: Đông Hải Đại vương và Qúy Minh Đại vương. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, đình Đông Tảo là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong Hậu cung của đình vẫn còn dấu tích của căn hầm bí mật.
Đình Đông Tảo Đông được khởi dựng vào thời Lê và trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Hiện tại, di tích còn giữ được nhiều nét kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, 02 dãy Giải vũ, Đại bái 05 gian, Trung từ 03 gian, Ống muống 01 gian và Hậu cung 03 gian. Hệ thống cột và các bộ vì nâng đỡ mái được làm bằng gỗ, bào trơn đóng bén, tạo nét đẹp chắc khỏe. Hiện nay, tại đình còn lưu giữ được một số hiện vật rất có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật như: Bia đá thời Lê, khám thờ, kiệu bát cống, đại tự, câu đối, bát hương sứ cổ, thần tích, sắc phong thời Nguyễn.
Hằng năm, lễ hội truyền thống tại đình được tổ chức từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước kiệu và diễn ra nhiều hoạt động như: chọi gà, đánh bóng, hát quan họ,…
Đình Đông Tảo Đông được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử - văn hoá” cấp tỉnh theo Quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 23/10/2006.