Cụm đình, đền, lăng mộ Lê Như Hổ toạ lạc trên một gò đất cao gọi là “Lục địa bồng hồ”ở giữa thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam.
Đây là nơi tôn thờ Tiến sỹ Lê Như Hổ, một người con của quê hương Hưng Yên. Ông sinh năm 1511, mất năm 1581, quê ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên ngày nay. Thời trẻ, ông có sức vóc to lớn, ăn khoẻ, làm khoẻ, thông minh hiếu học nhưng nhà nghèo. Ông phải nhờ nhà vợ nuôi cho ăn học đến năm 30 tuổi thì đỗ Tiến sỹ. Ông được vua phong tới chức Thượng thư, tước Xuân Giang Hầu, hàm Thái Bảo, sau được thăng tước Tuấn Quận Công. Lê Như Hổ là người có sức khoẻ phi thường, đồng thời là một nhà ngoại giao tài giỏi. Ông được vua Minh phong là “Lưỡng quốc Quốc sư”. Ông được xem là ông tổ của nghề làm dù ở nước ta.
Đình được dựng từ sớm, ban đầu có quy mô bề thế với 05 gian đại bái và 03 gian hậu cung. Toàn bộ hệ thống khung chịu lực được làm bằng gỗ lim vững chắc. Năm 1962, đình bị dỡ bỏ để lấy nguyên vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng của xã. Năm 1997, đình được nhân dân phục dựng lại trên nền móng cũ với kết cấu chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái 03 gian 02 dĩ, các bộ vì kết cấu kiểu giá chiêng con nhị. Hậu cung kiến trúc đơn giản.
Tương truyền, đền được xây dựng khi ông mất. Đến thời Nguyễn niên hiệu Bảo Đại được trùng tu lại với kết cấu chữ Đinh gồm 03 gian Đại bái và Hậu cung. Các bộ vì làm kiểu giá chiêng con nhị và trang trí hoa văn đơn giản.
Lăng mộ Lê Như Hổ được xây tường bao quanh, nhìn về hướng Tây. Mộ được làm hình chiếc ngai, mặt trước ghi ngày sinh và ngày mất của cụ.
Tại đình, đền còn lưu giữ được một số hiện vật tiêu biểu như: 02 đạo sắc phong, bát hương, kiệu bát cống, chuông đồng,….
Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội chính vào ngày 26 tháng Giêng. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu, hát quan họ và diễn ra nhiều trò chơi như: bắt vịt, đi cầu kiều,... thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Cụm di tích đình, đền, lăng mộ Lê Như Hổ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử - văn hoá” cấp tỉnh theo Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 24/12/2008.