Đình, chùa, miếu Du Tràng tọa lạc trên một khu đất rộng 2163 m2 ở phía Tây Nam xóm Du Tràng, thôn Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Khúc. Tương truyền đây là thế đất đắc địa, phía trước có long thủy vây quanh, phía sau có mộc tinh tác chẩm, tả hữu có thanh long triều phục. Do vậy, người dân trong làng được hưởng phúc lộc lâu dài, nhiều người hiển danh, thành đạt.
* Đình
Đình Du Tràng là di tích gắn liền với tên tuổi của Liệu Công. Thần tích kể lại rằng: vào thời Lê ở khu Du Tràng, trang Vĩnh Bảo, tổng Hoa Cầu, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc có người tù trưởng họ Lê tên Bảo, vốn hiền lành, đôn hậu, học rộng và sống hòa nhã với mọi người nhưng đã lấy ba, bốn đời vợ mà không con. Ông bèn quy y cửa phật để tĩnh tâm. Một hôm, đúng giữa trưa mà trong chùa tối đen như mực, bỗng một bọc to rơi xuống cửa chùa, mở ra thì thấy một đứa bé trai khôi ngô lạ thường, trên trán có ba chữ: “Chu - Tích - Liệu”. Ông đặt tên cậu bé là Liệu Công và chăm sóc chu đáo. Lớn lên, Liệu Công lộ rõ tư chất thông minh, tài năng và có phần kỳ dị. Gặp lúc nước nhà nguy nan, Liệu Công vào triều yết kiến vua Lê, xin đi dẹp giặc phương Bắc. Thắng trận trở về, ngài xin vua trở về Du Tràng thăm ngôi chùa cùng người cha đã nuôi dưỡng mình và hóa tại đó. Nhà vua vô cùng thương xót, sắc phong cho ngài là Chu Thiên Thái tử khai thiên hiển ứng Thượng đẳng thần và ban cho nhân dân sở tại 800 quan tiền để lập đền miếu thờ tự muôn đời.
Tương truyền, đình được khởi dựng vào thời Lê Thái Tổ và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Công trình hiện nay là kết quả của lần tu bổ lớn vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại (1933) với kết cấu kiểu chữ Đinh (丁) gồm 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung. Các bộ vì được tạo tác kiểu chồng rường giá chiêng và chồng rường. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ lim và gỗ trai vững chắc. Tại đình còn bảo lưu được nhiều mảng chạm khắc đẹp, tinh xảo các đề tài tứ linh, chim muông, hoa dây,… mang đậm nét kiến trúc, mỹ thuật thời Nguyễn.
* Chùa
Chùa Du Tràng (Vĩnh Lạc tự) xưa kia được xây dựng giữa cánh đồng với tên gọi là chùa Thần. Sau khi xây dựng đình, nhân dân địa phương cũng di chuyển chùa về vị trí hiện nay để gần với đình và miếu tạo nên một quần thể di tích đẹp giữa không gian thanh bình của làng quê.
Chùa có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh (丁) gồm 03 gian 02 chái Tiền đường và 03 gian Hậu cung. Các bộ vì tạo tác kiểu vì kèo đơn giản.
* Miếu
Miếu Du Tràng là nơi thờ bà Mai Nương, có công âm phù giúp vua Trần Nhân Tông đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua đã phong cho bà là Mai Hoa Công chúa và cấp tiền cho nhân dân Du Tràng xây dựng miếu phụng thờ bà đời đời.
Tương truyền, miếu được khởi dựng vào năm 1295 dưới thời vua Trần Anh Tông và đã trải qua nhiều lần tu sửa. Hiện nay, miếu có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm Tiền tế và Hậu cung, mỗi tòa gồm 01 gian 02 chái. Các bộ vì tạo tác đơn giản bào trơn, đóng bén chắc khỏe. Tại cụm di tích còn lưu giữ được một số hiện vật, đồ thờ như: 06 đạo sắc phong thời Hậu Lê và Nguyễn, chuông đồng (1861), thần tích, bát hương sành,... có giá trị lịch sử, văn hóa.
Hằng năm, lễ hội tại cụm di tích được tổ chức vào hai dịp: từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 3 và từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 7 âm lịch để kỷ niệm ngày hóa của các vị thần.
Trong lễ hội có tổ chức tế nam quan và nữ quan, có rước kiệu và diễn ra nhiều trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ như: hát trống quân, tổ tôm điếm, hát quan họ,... Đây là dịp ôn lại truyền thống của cha ông, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ luôn ghi nhớ công lao của những người có công với đất nước.
Từ những giá trị tiêu biểu đó, đình, chùa, miếu Du Tràng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh tại Quyết định số 1727/QĐ-UBND ngày 27/9/2012.