Đình Bích Tràng toạ lạc trên khu đất cao ráo, khoáng đãng tại thôn Bích Tràng, xã Tiền Phong. Đình có mặt chính hướng Nam nhìn ra cánh đồng làng.
Đình thờ ông Đào Duy Từ (1572 - 1634), một trong những danh sỹ nổi tiếng của nước ta vào thời cận đại. Ông hiệu là Lộc Khê, quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Ông vốn là người tinh thông sử sách, lý số và binh pháp nhưng vì thân phụ là Đào Tá Hán xuất thân là Quản giáp trong nghề ca hát nên ông không tiến thân được (Luật thời đó nghiêm cấm không cho con nhà xướng ca ra thi cử). Ông bỏ vào Nam phò chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông đã hết lòng giúp chúa Nguyễn về tổ chức quân sự, chính trị, văn hoá. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn đã phong tặng ông Hàm Tán trị dực công thần, Kim tử vinh lộc Đại phu Đại lý tự khanh tước Lộc Khê Hầu. Đến triều vua Minh Mạng, ông được truy phong tước Hoàng Quốc công.
Đào Duy Từ còn sáng tác nhiều tác phẩm thơ, văn, làm biên đạo một số điệu múa. Tác phẩm nổi tiếng của ông là hai ngâm khúc “Ngoạ long cương văn” và “Tư dung vãn”. Ông là tác giả bộ sách “Hổ trướng ngu cơ” được xem là một trong hai bộ sách về nghệ thuật quân sự của người Việt Nam. Ông còn là người Việt đầu tiên làm thơ Lục Bát và được coi là ông tổ của nghệ thuật hát Tuồng ở nước ta.
Phối thờ cùng Đào Duy Từ là hai bà Nguyệt Hoa và Nôi Lâu công chúa, là hai nữ tướng giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định. Trong khi thế giặc mạnh, Hai Bà Trưng không chống nổi đã gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn. Bà Nguyệt Hoa và Nôi Lâu trong thế yếu vừa rút quân, vừa chống cự giặc. Khi về đến đầu làng Bích Tràng, hai bà bị quân giặc bao vây. Để giữ tròn khí tiết, hai bà đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Để tưởng nhớ công lao của hai vị, dân làng Bích Tràng đã dựng hai ngôi miếu nhỏ thờ các bà. Sau này, dân làng đã đưa hai bà vào phối thờ cùng với cụ Đào Duy Từ.
Đình được khởi dựng từ sớm và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Hiện nay, đình có kiến trúc chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 05 gian 02 dĩ, kết cấu bốn mái truyền thống. Các bộ vì làm kiểu vì giá chiêng, các vì nách chạm khắc nhiều đề tài trang trí như: cảnh “Bát Tiên”, cảnh “Tam cố thảo lư”, “ngũ lão tiên ông”, “giang tả cầu hôn” cùng với tứ linh, tứ quý với các con vật như đang chuyển động, uốn khúc trong sắc ba đào mây khói. Hậu cung gồm 03 gian, các bộ vì làm kiểu vì giá chiêng, kiến trúc đơn giản. Nhìn chung, kiến trúc đình còn tương đối đồng bộ, vững chắc mang dấu ấn nghệ thuật thời Lê đan xen Nguyễn.
Tại đình còn lưu giữ nhiều hiện vật gỗ có giá trị như: đại tự, câu đối, kiệu, bát hương, nhang án,...
Hằng năm, tại đình diễn ra lễ hội vào ngày 10 tháng 03 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của các vị Thành hoàng.
Đình Bích Tràng được UBND tỉnh xếp hạng ngày 21/01/2008, là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh theo Quyết định số 107/QĐ-UBND.