Đình Bến được xây dựng ở đầu thôn Bến, xã Phụng Công.
Đình thờ Lã Tá Đường (Lã Đường, Lữ Đường) là một trong 12 sứ quân cuối triều nhà Ngô, cát cứ vùng Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên). Tương truyền, ông được sinh ra trong một gia đình hào trưởng giàu có, cha ông là Lã Đại Liệu, nguyên là bộ tướng của sứ quân Trần Lãm và đã lập được nhiều chiến công dưới thời Ngô Quyền. Lớn lên, ông kế nghiệp cha lập ấp và cai trị nhân dân khu vực Tế Giang, đại bản doanh đóng tại khu vực đình Bến, xã Phụng Công ngày nay. Do có công cai quản và lập ấp ở địa phương, Lã Tá Đường được nhân dân lập đền thờ. Người Phụng Công thường gọi chệch từ “Đường” thành “Đàng” để khỏi phạm húy và khi cúng thành hoàng làng thường có con heo không có đầu do sự tích ông bị chém đầu.
Đình được xây dựng thời Lê ở ngoài đê sông Hồng. Do sự biến đổi của tự nhiên, đến thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định nguyên niên (1916), đình được di dời vào trong đê như vị trí đình hiện nay. Năm 1947, để tiêu thổ kháng chiến, chính quyền địa phương đã đốt đình, và cũng trong năm đó, đình được phục dựng trên nền đất cũ. Hiện nay, đình có kết cấu hình chữ Công gồm Đại bái, Ống muống, Hậu cung và hai Giải vũ. Đại bái gồm 03 gian, được xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, các bộ vì được tạo tác kiểu vì kèo quá giang. Nối giữa Đại bái và Hậu cung là 03 gian Ống muống, kiến trúc kiểu vì ván mê giả cổ. Tiếp đến là Hậu cung gồm 03 gian, kiến trúc kiểu vòm cuốn. Hiện vật tiêu biểu mà đình Bến còn lưu giữ được là 04 pho tượng, kiệu rước nước, kiệu long đình, hoành phi, câu đối,...
Hằng năm, tại đình thường diễn ra lễ hội vào ngày mồng 08, 09, 10 tháng 4 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của Thành hoàng làng (5 năm mở hội lớn một lần). Trong lễ hội có tổ chức rước nước, rước kiệu, thi nấu cơm, thi chạy thẻ, liên hoan văn nghệ,… Đặc biệt, lễ vật dâng thánh là cơm cá chép, nếu cúng lợn thì phải dấu đầu đi nơi khác.
Với những giá trị tiêu biểu đó, đình Bến được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh tại Quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 23/10/2006 thuộc loại hình di tích “Lịch sử - văn hoá”.