Đền Trạ tọa lạc trên khu đất thoáng đãng tại khu phố Chùa Chuông, phường Hiến Nam. Mặt tiền đền hướng Đông Nam, nằm tách biệt hẳn với khu dân cư. Tương truyền, mảnh đất này là nơi quần tụ của bầy rồng nên khi xây đền người ta còn gọi tên là “Long bàn từ”.
Đền thờ Đức Nam Hải Đại Vương, là vị quan văn võ song toàn được nhà Vua tin tưởng giao cho trấn thủ vùng Sơn Nam thượng. Ông có công hộ quốc, cứu dân giữ yên bờ cõi nên được nhân dân thờ cúng. Ngoài ra, trong các giai đoạn lịch sử, ngôi đền đều ghi dấu ấn là cơ sở hoạt động của cách mạng. Các đồng chí lãnh đạo của xứ ủy Bắc Kỳ và của tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên hội họp tại đền Trạ. Trong hồi ký của bà Lê Châu Phương tức Lê Thị Lang, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động có đoạn viết: “Đền Trạ ở giữa cánh đồng làng Nhân Dục thuận tiện cho cán bộ về hội họp. Đặc biệt cho tự vệ luyện tập quân sự bí mật. Chùa Chuông, đền Trạ, Văn Miếu là những căn cứ bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động của Đảng”.
Đền Trạ được xây dựng đầu thời Nguyễn và trùng tu năm 1916 niên hiệu Khải Định với kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 05 gian Tiền tế và 03 gian Hậu cung. Các tòa được làm kiểu tường hồi bít đốc. Các cấu kiện kiến trúc được làm từ vật liệu gỗ bền vững với các bộ vì chính tạo tác kiểu kèo cầu quá giang vượt. Đền còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc hoa văn thời Nguyễn mang giá trị nghệ thuật cao.
Hiện nay, tại đền còn bảo lưu được nhiều cổ vật như: 21 đạo sắc phong thời Lê và Nguyễn, kiệu, choé, bài vị, câu đối, đại tự,... rất có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật.
Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng 3 và ngày mồng 10 tháng 11 âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của Đức Nam Hải Đại Vương. Đây là dịp để cùng nhau ôn lại truyền thống của cha ông cũng như tạo tình cảm gắn bó thân ái tình làng nghĩa phố trong cộng đồng.
Đền Trạ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử - văn hoá” cấp tỉnh theo Quyết định số 1649/QĐ-UBND ngày 14/8/2006.