Đền Ngự Dội - Màn Trầu (đền Đống Cát) nằm ở giữa cánh đồng ngoài đê sông Hồng tại thôn Toàn Thắng, xã Tứ Dân. Tương truyền, xưa kia vùng này là bãi bồi ven sông, nơi có gò cát nổi lên. Chính tại nơi này, vào một ngày đẹp trời, nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp (con gái vua Hùng thứ 18) đã du thuyền qua, quây màn tắm và gặp chàng trai nghèo họ Chử. Họ kết duyên với nhau và ở lại vùng đất này sinh sống, dạy dân buôn bán, làm ăn. Để tưởng nhớ đến công lao của các vị, nhân dân trong vùng đã đặt tên cho vùng đất này là châu Màn Trầu và xây dựng đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân.
Đền được khởi dựng từ xa xưa và đã qua nhiều lần trùng tu, tu sửa. Hiện nay, đền có kiến trúc chữ Quốc gồm 05 gian Tiền tế, 01 gian 02 chái Trung từ, 03 gian Hậu cung và 02 dãy Giải vũ (mỗi bên 03 gian). Các toà liên kết với nhau một cách đồng bộ từ trong ra ngoài. Ngoài ra, trong khuôn viên của đền Ngự Dội còn có chùa Phúc Hưng, kết cấu chữ Đinh với 03 gian Tiền đường và 01 gian Thượng điện. Kết cấu bộ vì làm kiểu vì kèo quá giang đơn giản. Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ một quả chuông đồng cổ có niên đại từ thời Lê năm Chính Hoà thứ 02 (1681).
Hằng năm, lễ hội tại đền được tổ chức vào các dịp mồng 4 tháng Giêng (ngày sinh của Tây Sa công chúa), mồng 7 tháng 2 (ngày sinh của Tiên Dung), ngày 12 tháng 8 (ngày sinh của Chử Đồng Tử), ngày 12 tháng 6 (ngày giỗ thân mẫu), ngày 17 tháng 11 (ngày ba vị hoá). Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch và ba năm một lần mở hội lớn.
Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa còn hiện hữu, đền Ngự Dội - Màn Trầu được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử” tại Quyết định số 2351/QĐ-UBND ngày 24/11/2010.