Chùa Bình Lăng còn có tên chữ là Thiên Phúc tự, tên gọi khác là chùa Đậu. Ngôi chùa tọa lạc trên khuôn viên khoảng 5 mẫu tại thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong. Chùa có mặt chính hướng Tây Bắc, nằm biệt lập với khu dân cư. Trong khuôn viên chùa ngoài khu thờ chính còn có hệ thống vườn, giếng và ao chùa bao bọc xung quanh tạo cho di tích không gian thoáng đãng, thanh tịnh, cổ kính.
Chùa thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, là bậc tịch tĩnh trong họ Thích Ca. Ngài là Thái tử Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn ở nước Ấn Độ. Mẹ ngài là Hoàng hậu MaDa. Khi sinh ra, ngài tự đi 7 bước và nói “Thiên thượng, địa hạ duy ngã độc tôn”, sau đó lại nằm xuống như đưa trẻ bình thường. Ngài từ bỏ cuộc sống vương giả và quyền bính để chọn con đường tu hành nhằm truyền bá lẽ sống cao đẹp: Bình đẳng, nhân nghĩa, bác ái, từ bi và ngài đã đắc đạo.
Ngoài ra, chùa Bình Lăng còn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, vị vua tối cao của thế giới thần linh được dân gian sùng bái tôn thờ. Phối thờ cùng với Ngài còn có hai vị thần là Nam Tào (thần coi việc sinh) và Bắc Đẩu (thần coi việc tử). Việc tôn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế với mong ước cầu vị thần tối cao, vị thần bảo hộ cho con người có một cuộc sống an lành, may mắn.
Chùa Bình Lăng có nhiều đóng góp về thành tích cách cách mạng. Từ ngày đầu cách mạng đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là địa điểm lui tới hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, của Liên khu ủy Khu III như ông Hoàng Quốc Việt, ông Trần Cung,… Các ông về để tuyên truyền cách mạng, thành lập nhóm Thanh niên phản đế, tổ chức hội Tương Tế và giao nhiệm vụ của Khu ủy liên khu III. Trong khuôn viên chùa còn đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ du kích, bộ đội, cất giấu tài liệu, quân trang, quân dụng, thu chiến lợi phẩm của địch…
Chùa được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn niên hiệu các vua Thành Thái, đại trùng tu vào năm Canh Thìn đời vua Khải Định (1920) và năm Bính Dần đời vua Bảo Đại (1926). Chùa có kiến trúc chữ Nhị gồm Tiền đường 05 gian 02 dĩ và 03 gian Thượng điện. Các cấu kiện làm đơn giản, một số mảng chạm khắc tập trung ở bức cốn và trên hệ thống cánh cửa toà Thượng điện với các đề tài dân gian như: rồng, phượng, hoa lá,...
Tại chùa còn lưu giữ một số hiện vật quý như: hệ thống tượng cổ bằng gỗ và đồng, bát hương sứ, đại tự, câu đối,…
Chùa Bình Lăng được xếp hạng là di tích “Lịch sử” cấp tỉnh ngày 30/12/2009 theo Quyết định số 2859/QĐ-UBND của UBND tỉnh.