Xưa có một du khách nghe tiếng phố Hiến đông vui nhộn nhịp chỉ đứng sau kinh kỳ, lặn lội về thăm. Thấy cảnh suy tàn, khách than thở:
Bách niên đô hội tồn di chỉ
Thiên lý quan chiêm thuyết cựu kỳ
Dịch:
Trăm năm đô hội còn di chỉ
Ngàn dặm nghe xem chuyện cũ xưa
Nhà cửa, bến sông hoang tàn, nhưng ở đây còn một loại quả không hề suy giảm mà vẫn lừng tiếng, đó chính là nhãn.
Nhãn là quà tặng của thiên nhiên trao cho phố Hiến và cây nhãn Tổ theo các cụ cao niên trong làng ước tính có tuổi thọ hơn 400 năm, tọa lạc tại chùa Hiến (Phố Hiến, Hưng Yên) chính là minh chứng hùng hồn cho nguồn gốc của giống nhãn lồng đặc sản Hưng Yên ngày nay.
Tương truyền rằng, cây nhãn Tổ (Hưng Yên) là đặc sản quý của vùng, vì thế hàng năm cứ vào tháng bảy (âm lịch), khi quả nhãn đã chín, các vị quan dân địa phương cùng các vị tiền bối trong làng liền chọn các chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú để trèo cây hái nhãn. Vì là cây nhãn duy nhất được chọn để hái chùm quả đẹp dâng đức Phật, cúng thành hoàng và để làm sản vật tiến vua nên giống nhãn này còn được gọi là cây nhãn Tiến. Số lượng nhãn còn lại được chia theo suất đinh cho các gia đình trong làng, mỗi đinh chỉ được nhận hai đến ba quả.
Ông Nguyễn Ngọc Diêm, người dân Phố Hiến, cho biết: “Người làng Mâu Dương cổ ngày xưa nay là Phố Hiến, TP. Hưng Yên, đều không thể quên mỗi khi có dịp thưởng thức quả nhãn tổ, hay nhắc đến cây nhãn thì những kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về, nó thiêng liêng và gần gũi lắm”. Ông không kìm được xúc động, kể: “Chúng tôi lớn lên thì đã có cây nhãn. Xưa cây to và sai quả lắm. Mỗi khi họp hành hay có hội, làng tổ chức tại đình, chùa Hiến nên những ký ức tuổi thơ chúng tôi gắn chặt với cây nhãn tổ. Mỗi dịp như vậy chúng tôi được các bậc cao niên trong làng kể về cây nhãn tổ. Thời kỳ kinh đô dời vào Huế, mỗi mùa nhãn chín, các Lý trưởng đương điều hành công việc của làng, phải cùng các quan phủ trong huyện và trai tráng trong làng mang sản vật vào kinh thành dâng vua.
Do đường xá xa xôi, vất vả, nhiều khi lại còn bị đòn roi của vua nên không ai muốn nhận chức Lý trưởng đương. Dân trong làng hiểu được khó khăn của người mang sản vật tiến vua nên đã góp cho những ai nhận chức Lý trưởng đương năm mẫu ruộng công thì mới có người nhận làm chức quan này. Do không thể bảo quản được như bây giờ nên ngựa phải đi không kể ngày đêm để đưa nhãn vào kinh thành tiến vua. Trước khi đi, dân làng còn quyên góp tiền, lương thực để các quan địa phương và trai tráng trong làng có lộ phí vào kinh. Theo ông Diêm, cây nhãn tổ là sản vật quý của làng nên xưa kia ông cùng thanh niên trong làng được cắt cử trông coi. Cây nhãn từ khi ra hoa cho tới lúc quả chín không ai được trèo hái khi chưa được sự cho phép của làng. Sau khi dâng cúng phật, thành hoàng làng và dâng vua, mới được chia cho dân trong làng đưa về cúng gia tiên. Cúng gia tiên xong, nhãn được đưa ra thưởng thức.
Cây nhãn Tổ thường cho rất nhiều quả to, hình dáng hơi bẹt, tương truyền rằng quả từ cây nhãn Tổ rất lớn có thể to bằng lòng chén trà ,cùi dày, ăn ngọt, hạt nhỏ chứ không như các loại nhãn bây giờ. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng ca ngợi “mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm ngon tựa nước thánh trời cho”. Trước đây, thân cây nhãn Tổ to khoảng ba người lớn ôm không xuể. Do lâu năm, thân cây nhãn mục rỗng bên trong nên cách đây mấy chục năm, cây bị gãy mất một nửa. Cây nhãn chỉ còn lại một nhánh con, nhánh cây này được nhà chùa và người dân chăm sóc phát triển thành cây "hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên. Hiện nay, cây nhãn này cao khoảng 5 mét, gốc có chu vi khoảng 2 mét.
Năm 1992, Hội Làm vườn Việt Nam đã công nhận kỷ lục Guinness ngôi chùa có cây nhãn tổ đầu tiên ở Việt Nam. Một lần nữa cây nhãn được vinh danh và bảo về nguồn gen gốc để bảo tồn và phát triển, quan trọng hơn, trong mỗi người dân Phố Hiến, hình ảnh cây nhãn luôn được lưu giữ trong tâm trí và được truyền lại cho nhiều thế hệ sau.
“Dù ai buôn bắc bán đông
Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”