Ở sau khu đền làng Vân Phương thờ bà Thư Dung Thánh Mẫu, người có công âm phù giúp nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có một cây đa cổ thụ, tương truyền là dấu tích của bến sông thuở trước, có người lại nói nó là dấu tích của đình làng Vân được trồng từ ngày nhân dân đến đây sinh sống, cách ngày nay đã hơn 200 năm. Thân cây được tạo bởi các chùm rễ phụ buông xuống, lâu ngày kết với nhau thành một cây lớn. Nhìn rễ cây rủ đều xuống đất như tấm rèm, người ta có cảm tưởng cây như ông phúc, ông thọ hiền lành, phúc hậu mang lại ấm no cho dân làng. Cây có tán lá cao, xòe rộng, đặc biệt hai nửa tán cây có hai mùa thay lá khác nhau, do vậy, mùa nào cây cũng sum suê xanh tốt.
Người ta đồn rằng trong hốc đa này có đôi rắn trắng trú ngụ, chỉ những hôm trở trời, đôi rắn ấy mới bò ra khỏi hang nên ít ai trông thấy. Năm 1969, một đoàn cán bộ từ Hà nội về khảo sát định vị vật chuẩn phục vụ cho công tác quân sự. Một cán bộ đoàn đã nhận xét: Đây là cây đa rất quý. Cùng với cây đa năm chân, có thể là những mốc giới làm căn cứ để nghiên cứu dòng chảy của sông Hồng ở những thế kỷ trước.
Đúng vậy, mỗi cây đa, bến nước của mỗi làng quê không chỉ mang ý nghĩa gắn với tâm linh, với cảnh đẹp của làng, mà nó có thể cho một cứ liệu mốc dấu khoa học về hình thế, địa mạo của một vùng qua biến thiên của thời gian. Cây Đa đền Vân Phương đã được Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý là “Cây Di sản Việt Nam” vào tháng 4 năm 2014.