Ở sau đền Đức Thánh Cả, làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, có một cây đề cổ thụ, tương truyền đã có tuổi hàng nghìn năm? Người ta suy đoán vậy là dựa trên cơ sở lịch sử của ngôi đền thờ Đức Thánh Cả - một trong bẩy người con của tướng công Trần Lữu có công giúp Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh giặc Hán xâm lược những năm đầu công nguyên. Khi căn cứ vào vòng thân của cây đề này, các bậc cao niên ở làng cho rằng cây có tuổi chừng 400 năm? Thuở ấy, dân làng xây một bệ thờ để thờ Đức Thánh Cả, cạnh bệ thờ đó người ta trồng một cây đa, khi cây đa to lên cũng là lúc dân làng xây đền thờ. Sau đó, chim chóc kéo về quần tụ làm rơi vãi hạt đề trên ngọn cây, rồi lâu dần những hạt đó phát triển thành cây rồi buông rễ xuống bao trùm lên toàn bộ thân cây đa khiến cây đa mục ruỗng rồi chết và chỉ còn lại cây đề.
Chỉ nghe nói vậy sẽ khó có thể tin nhưng đến khi tận mắt nhìn, mới thấy sự kỳ vĩ của cây đề. Thân cây to tới mức bốn, năm người dang tay ôm cũng không xuể, rễ cây vấn vít với nhau tạo thành hang hốc là nơi ẩn nấp của du kích, dân quân tự vệ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Dân làng kể ngày trước có một cành to của cây xà xuống đường, người ta đã chặt đi, khi xẻ ra làm củi, mấy gia đình nọ đun cả năm không hết còn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rễ cây vấn vít với nhau tạo thành cái hố sâu đã che chắn cho biết bao du kích trong làng.
Người ta còn truyền rằng: Gần cây đề này có hai thần nữ của người Tàu khi trước yểm để trông coi kho báu.Từ xa xưa trong dân gian vẫn lưu truyền về bọn phong kiến Trung Hoa sang xâm lược nước ta, chúng bị đánh đuổi, vàng bạc cướp bóc không mang về được phải bí mật chôn giấu. Chính vì vậy mà người ta suy đoán chuyện người Trung Hoa ngày trước chôn hai thần nữ gần cây đề sau đền là để linh hồn của họ còn được bóng đề che mát, được ăn nhờ lộc thánh ở đền. Cây đề nhờ thế càng trở lên linh thiêng, huyền bí hơn và vào năm 1998 cây đề đền Giáp Thượng đã được vinh danh là cây Di sản.