Bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh" là tấm bia thời Lý thuộc chùa Cảnh Lâm (Diên Phúc tự), xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã phá hủy hoàn toàn, hệ thống tượng Phật và các di vật tại chùa đều bị thất lạc. Những năm 1960, bia được tìm thấy tại hồ tắm voi, sau đó đưa về dựng tại bờ giếng trong làng nhưng không ai biết đó là bia thời Lý. Năm 1990, bia được cán bộ viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện, nghiên cứu và công bố. Năm 2001, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức bảo vệ di dời bia về dựng tại chùa Cảnh Lâm để gìn giữ, phục vụ nghiên cứu, trưng bày.
Bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh" được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, gồm có 02 mặt và 03 phần: Trán bia, diềm bia và đế bia.
Nội dung minh văn có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa rất cao đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc thời Lý. Minh văn mô tả lịch sử xây dựng chùa Diên Phúc, đồng thời mô tả khá chi tiết cấu trúc mặt bằng tổng thể chùa Diên Phúc, tính từ ngoài vào trong.
Nhìn chung, bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh" là một trong số những tấm bia thời Lý hoàn chỉnh đóng góp nhiều tư liệu quý hiếm về mặt lịch sử, văn hóa và lịch sử mỹ thuật thời Lý. Về mặt nghệ thuật, các nhà khảo cổ học và lịch sử mỹ thuật đã căn cứ vào bia Diên Phúc kết hợp với một số nguồn tư liệu khác để thiết lập một giai đoạn lịch sử mỹ thuật cuối thời Lý gọi là giai đoạn Diên Phúc - Báo Ân có niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XII, đầu thế kỷ thứ XIII.
Ngày 15/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận bảo vật Quốc gia đối với 27 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có tấm bia "Cổ vật thôn Diên Phúc tự bi minh".