Ngày 22/11/2024, tại đền Mẫu (phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên), Ban Quản lý di tích tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hoạt động “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Hưng Yên năm 2024. Tham dự và chỉ đạo chương trình có ông Đào Mạnh Huân – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở, Lãnh đạo phòng VH&TT các huyện, thị xã, thành phố; Các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, đồng thầy, các thanh đồng của tỉnh cùng các cơ quan thông tấn báo chí tới dự và đưa tin.
Ảnh - ông Đào Mạnh Huân, Phó giám đốc Sở VHTTDL phát biểu tại sự kiện
Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.
Năm 2016, di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo kết quả thống kê sơ bộ, hiện nay, tỉnh Hưng Yên có khoảng hơn 800 di tích lịch sử - văn hóa thờ và phối thờ Mẫu, được phân bố ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều hơn ở thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Yên Mỹ, huyện Kim Động, huyện Khoái Châu,...
Nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ Lên đồng – được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng hay nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kế hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. Những người thực hành tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.
Tại buổi thực hành các nghệ nhân, thanh đồng trong trang phục truyền thống thực hành bài bản các giá chầu như Quan Tam phủ, quan lớn Tuần Tranh, quan Hoàng Mười, chúa bà Đông Cuông,.. Thông qua các giá đồng nhằm nhân rộng và lan tỏa tới đông đảo tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, để lại ấn tượng tốt đẹp, giúp nhân dân được trải nghiệm, hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ đó, cùng chung tay giữ gìn nét đẹp trong tin ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Người thực hiện: Vũ Oanh