Di tích đình Cao Đoài tọa lạc tại thôn Cao Đoài, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Tương truyền đình được xây dựng từ sớm trên thế đất "rồng chầu hổ phục", mặt tiền quay hướng Bắc.
Mặt tiền đình Cao Đoài
Đình Cao Đoài thờ Thành hoàng làng là Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng - Danh tướng ở cuối thời Lý, đầu thời Trần. Ông là người có tư tưởng "Trung quân ái quốc" nên khi đất nước chuyển giao quyền lực từ tay họ Lý sang họ Trần, ông đã không chịu quy thuận. Ông đã chiếm giữ một vùng đất riêng và nuôi chí lớn "phù Lý diệt Trần" nhưng bị thất bại. Sau khi ông mất, được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng và thờ tự ở nhiều nơi trên cả nước.
Đình được khởi dựng từ sớm, tu tạo lại vào năm Thánh Thái Nhâm Dần (1902) gồm: Hậu cung, Đình Trung và Đình Ngoài (đình Ngoài còn gọi là Tiền tế, đình Trung là Đại bái, trong cùng là Hậu cung). Trước sân đình có giếng vào ao đình được xây liền ví như hai mắt rồng. Toàn bộ đình được xây tường bao quanh, đường đi ngoài đình. Trong đình còn có đền Hội đồng, nhà Văn chỉ xây riêng trong khuôn viên. Sân lát gạch Bát Tràng, xung quanh có nhiều cây xanh bao phủ, nên tạo không gian rộng rãi, thoáng mát. Qua thời gian, một số công trình của đình bị tháo dỡ, không gian cảnh quan đình đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, khuôn viên đình có bố cục mặt bằng tổng thể kiểu chữ Nhị gồm: 05 gian Đại Bái, 03 gian Hậu cung, hai giếng và một số công trình phụ trợ mới được làm trong thời gian gần đây. Những cấu kiện kiến trúc hiện nay của đình được làm từ vật liệu gỗ, với nhiều mảng chạm khắc tương đối đẹp đặc biệt là chạm khắc ở các bộ vì nóc, vì nách, kẻ chuyền nhà Đại bái với các đề tài: rồng, lân, hoa dây, vân mây mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: ngai, bài vị, đại tự, câu đối, sập, bành kiệu, nhang án,...
Hàng năm, tại đình diễn ra bốn tiết lễ chính vào các ngày: 10/3, 14/7, 20/8, 2/12 âm lịch. Đây là dịp để nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái tỏ lòng thành kính đối với bậc công thần.
Giếng tại di tích
Trải qua thời gian, đình Cao Đoài đã có nhiều biến đổi. Trong bối cảnh đô thị hóa, không gian cảnh quan đình đã không còn thoáng đãng như xưa. Tuy nhiên, đình vẫn bảo tồn được nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật cùng với hệ thống hiện vật, đồ thờ tự phong phú, đa dạng. Đồng thời, ngôi đình vẫn giữ được vai trò trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của làng. Ngoài những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, đình Cao Đoài còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngôi đình này là điểm nhấn, góp phần tạo nên những giá trị về lịch sử và văn hóa của địa phương.
Đình Cao Đoài được xếp hạng là di tích "lịch sử" cấp tỉnh theo Quyết định số 1799/QĐ-CTUBND ngày 12/8/2022.
Người thực hiện: Mai Thị Quyên