Đền Phù Ủng là một trong những quần thể di tích có quy mô kiến trúc đồ sộ, rộng lớn và khá hoàn chỉnh, còn bảo lưu được nhiều nét đẹp văn hóa truyển thống của dân tộc trên mảnh đất Hưng Yên.
Ngoài vẻ bề thế khoáng đạt, mỗi khi về trẩy hội Phù Ủng du khách còn được chứng kiến tận mắt những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi nằm đan xen giữa các công trình kiến trúc, tạo cho ngôi đền một vẻ u tịch, linh thiêng. Tiêu biểu, nằm ngay sau lăng đức Tiên Công là cây sanh cổ thụ được ví như là một "hậu chẩm" làm điểm tựa cho lăng. Cây có tán lá rộng, cành lá đan xen vào nhau xòe kín cả khu lăng. Thân cây là những rễ phụ quấn quanh, đánh đai chằng chịt. Từ cành sanh lớn phía trên, thả xuống ao "mắt rồng" những chiếc rễ nâu nhạt được ánh mặt trời phản chiếu, thoáng nhìn như muôn vàn vẩy vàng, vẩy bạc lấp lánh.
Cạnh cây sanh là cây long não có tinh dầu thơm. Theo các cụ cao niên kể lại vì kiêng tên húy của Phạm tướng quân nên người dân trong vùng gọi đó là cây quế dại. Cách đó không xa, ngay cạnh Hậu cung đền chính còn có cây muỗm cổ thụ già nua, quanh năm tỏa bóng mát cho mái đền. Cây có dáng trực thẳng, tán lá đẹp và cân đối. Vào mùa quả chín, nhà đền thường lựa trẩy những trái muỗm to, sáng mã đem dâng lên ban thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Nằm chếch về phía bên phải đền chính là đền thờ Nhũ Mẫu. Ngay bên cạnh đền thờ có cây sanh cổ thụ với tán lá xòe rộng, thân là những chiếc rễ đan xoắn vào nhau, tạo thành những chân chống nhìn cổ quái cắm xuống ụ đất phía dưới. Ngoài ra, đứng sừng sững ở cổng đền là cây gạo cao lớn, quanh năm khoác lên mình lớp vỏ xù xì, nâu đen. Mùa hoa nở cây như biến thành một mâm xôi gấc, đỏ rực một góc trời nờ hàng trăm bông gạo to xù xếp chồng lên nhau. Trải qua mưa nắng, bão tố của thời tiết cây vẫn đứng hiên ngang, chứng kiến bao sự đổi thay của làng quê và sự trưởng thành của bao thế hệ người làng Phù Ủng.