Đình, chùa, phủ Phan Xá toạ lạc tại thôn Phan Xá, xã Tống Phan.
Chùa Phan Xá là nơi thờ Phật Thích Ca Mầu Ni. Ngoài ra, chùa còn thờ Mẫu và thờ Tổ. Căn cứ vào ngọc phả lưu giữ tại di tích: Đình Phan Xá là nơi tôn thờ thành hoàng Nguyễn Thái Bạt (thời vua Lê Chiêu Tông). Ngài sinh ngày mồng 10 tháng Giêng năm Giáp Tý (1504). Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra là người tinh thông kinh sử, âm nhạc. Năm Bính Tý (1516), triều đình mở khoa thi, ngài đỗ Hương cống thứ ba. Năm Canh Thìn niên hiệu Quang Thuận thứ năm (1520), ngài thi đỗ Bảng nhãn khoa thi Đình, được bổ nhiệm chức Hàn lâm viện thi thư. Được ít lâu, triều đình rối ren, chính sách bạo ngược hung tàn, ngài bèn từ quan trở về quê cũ mở trường dạy học. Sau khi mất, ngài được triều đình gia phong là Trung Liệt Đại vương, cho phép nhân dân làng Phan Xá hương khói thờ phụng muôn đời. Phối thờ tại đình là 6 vị thần miếu: Bến Gầm Đại Vương, Đền Đậu Đại Vương, Miếu Khả Đại Vương, Miếu Con Đại Vương, Mả Dung Đại Vương và Như Bá Đại Vương. Phủ Phan Xá thờ bà Đỗ Thị Huấn, một người con gái của địa phương. Bà là cung phi của chúa Trịnh triều Lê.
Đình, chùa, phủ Phan Xá được khởi dựng từ sớm. Trải qua thời gian, cụm di tích đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Kiến trúc hiện còn của đình là vào năm Thành Thái (1897). Đình có kiến trúc chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Kiến trúc mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Đại bái gồm 05 gian 02 dĩ, hai bộ vì giữa làm kiểu vì ván mê, các bộ vì còn lại kiểu chồng rường giá chiêng. Hậu cung gồm 02 gian, kiến trúc đơn giản, xây kiểu vòm cuốn.
Phủ Phan Xá có kiến trúc chữ Đinh gồm: Tiền tế và Hậu cung. Tiền tế 03 gian, có kiến trúc tương đối đơn giản, các bộ vì làm kiểu vì kèo. Hậu cung 01 gian, kiến trúc đơn giản.
Chùa Phan Xá kiến trúc chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường 03 gian, các bộ vì làm kiểu giá chiêng. Thượng điện gồm 02 gian, kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng. Nơi đây bài trí các lớp tượng chính của chùa, trong đó có nhiều pho tượng đẹp mang dáng chuẩn truyền trống.
Tại cụm di tích còn bảo lưu một số hiện vật có giá trị như: bát hương sứ thời Lê, chuông đồng, hệ thống tượng phật,...
Xưa kia, lễ hội tại cụm di tích diễn ra vào các dịp mồng 10 tháng giêng, ngày 15 tháng 03 (ngày hoá của thần), ngày 27 tháng 04, ngày mồng 05 tháng 05, ngày 15 tháng 05. Những người làm chủ tế phải phu, phụ song toàn, có con trai. Người dự tế phải là người có chức dịch, khi tế cấm sắc vàng, sắc tía. Ngày nay, lễ hội được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, lễ vật đơn giản hơn xưa nhưng vẫn đảm bảo các nghi thức truyền thống..
Từ những giá trị thực tế trên, cụm di tích đình, chùa, phủ Phan Xá được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” theo Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 24/12/2008.