Đình, chùa, miếu Tống Xá nằm ở trung tâm thôn Tống Xá, xã Tống Phan. Tương truyền, đình được toạ lạc trên thế đất “tiền xe hậu mã”. Nhân dân dựng đình trên thế đất này với mong muốn dân làng được hưởng phúc lộc dài lâu và các thế hệ con cháu có nhiều người hiển danh thành đạt, làm rạng danh cho vùng quê này.
Đình là nơi tôn thờ ông Trần Hộ Hương - một nhân vật sống vào thời Lý. Ông là một vị tướng đã cầm quân đi qua vùng đất này, thấy nơi đây có địa thế đẹp đã cho quân sĩ dừng chân, tuyển thêm quân lính. Sau khi thắng giặc, ngài cho xây dựng đồn luỹ tại địa phương. Sau này, ngài mất tại đây và được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng.
Chùa là nơi thờ Phật Thích Ca Mầu Ni, nơi khuyên con người sống hướng thiện, tu nhân tích đức.
Miếu thờ đức Thuỷ thần Đệ Nhất Bộ Chúa Trưởng Đại vương. Ngài là người có công với nước, với dân và vùng đất này nên được dân làng tôn thờ thành kính.
Cụm di tích được khởi dựng từ sớm với quy mô kiến trúc lớn. Các cấu kiện được làm từ gỗ lim vững chắc, chạm khắc cầu kỳ các hoạ tiết hoa văn. Đến năm 1951, thực dân Pháp cho quân đốt phá nhằm tiêu huỷ cơ sở cách mạng của thôn. Đến thời kỳ sau này, nhân dân từng bước khôi phục lại các hạng mục công trình. Hiện nay, các hạng mục kiến trúc mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn.
Đình có kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung. Các bộ vì được tạo tác theo kiểu vì kèo đơn giản. Các cấu kiện để trơn không chạm khắc hoa văn.
Chùa Tống Xá (chùa Sùng Phúc) - chùa Trong: có kiến trúc chữ Đinh gồm 03 gian 02 chái Tiền đường và hai gian Thượng điện. Công trình này được làm theo lối giả cổ. Các bộ vì tạo tác kiểu chồng rường con nhị, đấu kê làm thành hình hoa sen.
Chùa ngoài (chùa Khánh Giai) có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 03 gian Tiền đường và 02 gian Thượng điện. Các bộ vì tạo tác kiểu vì kèo và được đặt trực tiếp lên câu đầu, trốn hai hàng chân cột. Các cấu kiện được làm đơn giản, bào trơn đóng bén chắc khoẻ.
Miếu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 03 gian Tiền tế và 02 gian Hậu cung, xây kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì được làm kiểu vì kèo, không chạm khắc hoa văn.
Cụm di tích hiện còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị tiêu biểu như sau: 04 đạo sắc phong thời Nguyễn, chuông đồng (1815), kiệu bát cống, đại tự, câu đối, bát hương,…
Hằng năm, nhân dân thôn Tống Xá thường tổ chức lễ hội vào 02 dịp là từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 03 (kỉ niệm ngày sinh) và ngày 12 tháng 08 âm lịch (kỉ niệm ngày hoá) của Thành hoàng làng. Xưa kia, lễ hội thường được tổ chức rất lớn. Ngoài phần tế lễ, rước kiệu còn có thi lễ vật dâng cúng giữa các giáp trong làng. Giáp nào thắng sẽ được dâng lễ vật cúng Thành hoàng.
Ngày nay, lễ hội tại cụm di tích vẫn được tổ chức long trọng như xưa. Ngoài các nghi lễ còn diễn ra một số trò chơi dân gian như: chọi gà, bắt trạch trong chum, cờ tướng,… thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đình, chùa, miếu Tống Xá được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử” theo Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 22/03/2012.