Cụm di tích đình, chùa, miếu Đại Duy được xây dựng trên khu đất cao ráo ở trung tâm thôn Đại Duy, xã Đoàn Đào.
Chùa Đại Duy là nơi thờ phật, nơi giáo dục con người hướng thiện. Đình thờ Linh Lang Đại vương, sống vào thời Lý. Ngài là con trai của Giao Long thác sinh làm Hoàng tử con vua Lý Thánh Tông để giúp dân dẹp giặc. Miếu thờ Lôi Công tôn thần, một vị tướng cùng tham gia đánh giặc với Linh Lang Đại vương, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình - chùa - miếu Đại Duy là cơ sở bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi hội họp của dân quân du kích địa phương, nơi sơ tán của trường Đảng, nhà máy, xí nghiệp trong thời kì chiến tranh phá hoại của Mỹ. Cụm di tích là nơi giam cầm tù nhân của thực dân Pháp,...
Cụm di tích đình, chùa, miếu Đại Duy được xây dựng từ thời Nguyễn. Đình xây dựng năm Thành Thái thứ 09 (1897), có kết cấu hình chữ Đinh gồm 03 gian Đại bái và 02 gian Hậu cung. Đại bái còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc đẹp, với các đề tài tứ linh,tứ quý,... Nét chạm cầu kỳ tinh sảo mang đạm nét mỹ thuật thời Nguyễn.
Chùa được xây dựng cùng thời với đình, có kiến trúc thời Nguyễn, kết cấu chữ Đinh gồm 05 gian Tiền đường và 02 gian Thượng điện. Các cấu kiện đều làm từ chất kiệu gỗ lim vững chắc và còn đồng bộ.
Miếu có kiến trúc chữ Đinh gồm 03 gian Tiền tế và 01 gian Hậu cung. Kiến trúc đơn giản.
Đình, chùa, miếu Đại Duy nằm gần nhau tạo thành một quần thể di tích có kiến trúc đẹp giữa làng quê Việt Nam.
Hiện nay, cụm di tích đình, chùa, miếu còn lưu giữ một số cổ vật có giá trị như: Ngai thờ, 14 đạo sắc phong thời Nguyễn, chân nến, nhiều pho tượng đẹp mang giá trị mỹ thuật cao.
Hằng năm, tại đình, chùa, miếu Đại Duy diễn ra lễ hội từ ngày mồng 09 đến ngày 12 tháng 03 âm lịch. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và các trò chơi dân gian.
Với các giá trị tiêu biểu đó năm 2009, cụm di tích đình, chùa, miếu Đại Duy được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” theo Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 24/12/2009.