Đình, chùa Đống Lương toạ lạc trên khu đất cao ráo, thoáng mát ở giữa thôn Đống Lương, xã Hiệp Cường. Mặt tiền quay hướng Nam, xung quanh cây cối xanh mát.
Theo thần phả, sắc phong ghi chép lại thì đình Đống Lương là nơi tôn thờ 7 vị Thành hoàng làng là: Cao Sơn Trường Hiển Đại vương, Hồi Thiên Cư Sỹ Đại vương tôn thần, Đông Vị Chi Thần, Trung Hiếu Chi Thần, Vinh Lộc Đại Phu Dương Như Hải Tướng Công tôn thần, Mĩ Âm Long Thần, Phạn Âm Long Thần. Các vị có công giúp nước đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân nên sau khi hóa được nhân dân tôn làm thành hoàng làng và thờ phụng đời đời.
Chùa Đống Lương (Quang Phúc Tự) là nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, thờ Mẫu, thờ Tổ,… Cửa Phật là nơi giải tỏa phiền muộn, lo âu của con người, đây là nơi thanh tịnh để con người có thể tu hành đắc đạo, thoát khỏi vòng xoáy của trần tục. Cũng từ đây, người xấu có thể được giác ngộ trở về với bản tính lương thiện. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, cụm đình - chùa Đống Lương là nơi hội họp của đội du kích địa phương, nơi làm việc của Ty công an Hưng Yên. Chùa cũng là nơi trú ẩn của đồng chí Hoàng Quốc Việt sau khi cơ sở cách mạng ở chùa Trà Lâm bị phát hiện.
Đình Đống Lương được xây dựng từ thời Hậu Lê, trải qua thời gian, đình được tu sửa nhiều lần. Hiện nay, đình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với kết cấu kiểu chữ Đinh. Toà Đại bái gồm 03 gian 02 trái kết cấu các bộ vì kiểu chồng rường đấu kê. Các cấu kiện được làm bằng gỗ lim vững chắc, trang trí hình vân mây, chữ Thọ. Hậu cung gồm 02 gian, có kiến trúc đơn giản. Các cấu kiện đều được bào trơn đóng bén. Tại đây bài trí ban thờ các vị Thành hoàng làng.
Chùa được khởi dựng thời Hậu Lê niên hiệu Cảnh Hưng với kiến trúc kiểu chữ Đinh. Năm 1951, chùa bị thực dân Pháp đốt phá nên sau đó, nhân dân đã phục dựng lại trên nền chùa cũ. Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm 03 gian Tiền đường và 03 gian Thượng điện. Kết cấu các bộ vì kiểu kèo cầu cánh báng đơn giản. Tại thượng điện bài trí các lớp tượng chính của chùa như: Tam thế, Adiđà, Ngọc Hoàng, toà Cửu long và tượng Thích Ca sơ sinh. Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có nhà Tổ 05 gian, kiến trúc kèo cầu đơn giản và lăng mộ của sư tổ chùa.
Tại cụm đình - chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật, hiện vật có giá trị như: 06 đạo sắc phong, ngai và bài vị cổ, chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng (1766), bia đá niên hiệu Gia Long (1816), đại tự, câu đối,…
Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào các ngày 15 tháng Giêng, ngày mồng 10 tháng 03, ngày mồng 10 tháng 06 để tưởng nhớ công ơn của các vị Thành hoàng.
Cụm đình, chùa Đống Lương được xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh theo Quyết định số 604/QĐ-UBND ngày 26/4/2012.