Đền Vương (đền Kê Lạc) được xây dựng tại trung tâm Thị trấn Vương. Tương truyền, đây là thế đất tứ linh “Tiền tam thai hậu ngũ nhạc”, đất phát tích của Đế Vương. Tại đây, Ngô Quyền đã xây dựng bản doanh, chuẩn bị lương thảo, quân đội, vũ khí tạo những điều kiện thuận lợi cơ bản cho chiến thắng Bạch Đằng. Mặt tiền đền quay hướng Nam.
Đền thờ đức vua Ngô Quyền (897 - 944), Chính phi Dương Thị Ngọc Thư cùng nhị hậu Ngô Vương (Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập). Tương truyền, tại khu vực đền còn là nơi chôn cất thi hài Ngô Quyền cùng vợ và hai con. Đây là những nhân vật lịch sử mà tên tuổi gắn liền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938. Ngô Quyền một người anh hùng dân tộc, bằng chiến thắng Bạch Đằng lịch sử đã chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc. Chính phi Dương Thị Ngọc Thư là người đã tổ chức đội nữ binh chuyên quản lý, cung cấp lương thảo cho nghĩa quân đánh giặc. Nhị Hậu Ngô Vương là những tướng trẻ tuổi cùng với cha chỉ huy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Đền được khởi dựng từ sớm, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đình đã bị phá hủy. Hoà bình lập lại, ngôi đền được phục dựng lại hoàn toàn trên nền móng cũ với bố cục hình chữ Đinh gồm: 05 gian Tiền tế và 03 gian Hậu cung. Các cấu kiện kiến trúc được làm đơn giản theo kiểu vì kèo, bào trơn đóng bén. Hiện nay, đền còn lưu giữ được một số cổ vật và đồ thờ tự có giá trị như: 01 bát hương, 02 choé, 01 nậm, đại tự, câu đối,… nội dung ca ngợi công lao to lớn của các Ngài.
Lễ hội truyền thống tại di tích được tổ chức vào các ngày 18/1 và 12/3 (âm lịch) hằng năm để kỷ niệm ngày sinh và ngày mất đức vua Ngô Quyền. Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ dâng hương còn có phần hội được diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Từ những giá trị vốn có, ngày 07/12/2006 Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định số 2522/QĐ-UBND xếp hạng đền Vương là di tích “Lịch sử - văn hoá”.