Đền Tiên Xá được xây dựng ở phía Bắc khu Tiên Xá, Thị trấn Vương. Xung quanh di tích là những gò đống, cánh đồng cổ mà mỗi cái tên đều gắn liền với những câu chuyện lịch sử. Theo Ngọc phả Thần tích do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân (1572), triều Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc nguyên và một số sắc phong hiện còn lưu giữ tại di tích thì đền Tiên Xá thờ Đức Khê Công, người có công phò vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đến những năm đầu thế kỷ XX, đền trở thành nơi che chở, bảo vệ cán bộ tiền khởi nghĩa của địa phương.
Đền là công trình kiến trúc được khởi dựng từ thời Lê, trùng tu thời Nguyễn. Hiện nay, đền có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Tam gồm 03 toà: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Toà Tiền tế gồm 03 gian 02 dĩ, các bộ vì được làm kiểu chồng rường giá chiêng. Các con rường được chạm nổi hình hoa lá cách điệu. Trung từ 03 gian 02 dĩ, kết cấu các bộ vì kiểu ván mê. Hậu cung 02 gian, là nơi đặt ban thờ Đức Khê Công, bộ vì tạo tác kiểu chồng rường con nhị. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ còn tương đối đồng bộ, vững chắc mang đậm dấu ấn phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Trong đền còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như: bát hương thời Lê - Mạc, 03 đạo sắc phong và rất nhiều cổ vật thời Nguyễn khác.
Hằng năm, vào dịp mồng 4 tháng Giêng âm lịch nhân dân lại tổ chức lễ hội tại di tích để tưởng nhớ đến công lao của Đức Khê Công. Trong lễ hội ngoài phần tế lễ còn tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như: đánh cờ, tổ tôm, chọi gà, đập niêu, đi cầu kiều,…
Ngày 14/8/2006, đền Tiên Xá được UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh theo Quyết định số 1649/QĐ-UBND.