Đền Thuỵ Lôi được xây dựng trên khu đất cao, thoáng ngay trung tâm làng Thuỵ Lôi, xã Thuỵ Lôi. Mặt tiền đền hướng Tây Nam, cạnh đền là dòng sông Luộc, nơi ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền được sử dụng là nơi hội họp bí mật của dân quân du kích hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình bàn kế sách đối phó với kẻ thù. Hòa bình lập lại, đền là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân thôn Thụy Lôi.
Đền Thuỵ Lôi thờ Vũ Tam Lai - người có công giúp nước đánh đuổi giặc Minh xâm lược, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Ngài nổi tiếng là người văn võ song toàn, thông minh hơn người. Sau khi mất được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng, dựng đền thờ phụng muôn đời. Trải qua các triều đại, đều được ban cấp sắc phong là Thượng đẳng phúc thần.
Đền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn niên hiệu Tự Đức và Bảo Đại. Đền có kiến trúc hình chữ Công, quy mô rộng. Tiền tế gồm 05 gian với kiến trúc con chồng đấu kê, kẻ chuyền. Toà Thiêu hương kiến trúc chồng diêm tám mái, các đầu đao hoa văn thời Nguyễn, các mảng chạm khắc theo điển tích dân gian có giá trị nghệ thuật. Hậu cung gồm 03 gian, kiến trúc con chồng đấu kê. Tại đền còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị lịch sử nghệ thuật như: 04 đạo sắc thời Lê, 07 sắc phong thời Nguyễn, 01 quyển thần phả, 04 tấm bia đá, long đình, cuốn thư, châm, kiệu bát cống, ngai, bài vị,…
Ngoài giá trị văn hóa vật thể, đền Thụy Lôi còn bảo lưu được những giá trị văn hóa phi vật thể. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 08 âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao to lớn của Thành hoàng làng. Trong lễ hội tổ chức tế lễ và rước kiệu xung quanh làng trong không khí vui tươi phấn khởi. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian như: cờ tướng, chọi gà,... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, đền Thuỵ Lôi đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử - văn hoá” theo Quyết định số 830/QĐ-UBND, ngày 3/5/2007.