Chùa Sậy (Thánh Đức tự) thuộc địa phận thôn Duyệt Văn, xã Minh Tân. Xa xưa, nơi đây là vùng bãi bồi của sông Cửu Khúc, lau sậy và cỏ dại mọc um tùm. Về sau, nhiều gia đình và dòng họ đến đây khai hoang, mở đất để sinh cơ lập nghiệp và lấy tên là làng Sậy. Do vậy, chùa Sậy được gọi theo tên làng thuở ban đầu.
Chùa là thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, thờ Tổ, thờ Mẫu và thánh Pháp Vũ. Đây còn là nơi khuyên răn con người sống hướng thiện, tu nhân tích đức để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Pháp, chùa Sậy còn là địa điểm đặt máy móc công binh xưởng của quân khu III để sản xuất vũ khí cung cấp cho chiến trường.
Theo truyền ngôn, chùa Sậy khởi dựng từ thời Hậu Lê (1707 - 1710) với quy mô to đẹp nhưng sau đó bị hư hại một phần. Đến thời Nguyễn, chùa được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Hiện nay, chùa có kết cấu kiến trúc kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh” gồm: 03 gian Tiền đường, 03 gian Thượng điện và 02 gian Tam bảo. Các hạng mục mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Các bộ vì chính tòa Tiền đường và Thượng điện tạo tác kiểu chồng rường con nhị và Tam bảo làm kiểu vì kèo đơn giản. Các cấu kiện được bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Sậy còn có hạng mục thờ thần Pháp Vũ và thành hoàng làng. Mỗi hạng mục gồm 03 gian được làm đơn giản.
Hằng năm, nhân dân làng Sậy lấy ngày mồng 08 tháng 04 âm lịch làm ngày hội làng và gọi là lễ cầu mưa. Xưa kia, lễ hội tổ chức với quy mô lớn, thường rước 07 kiệu đi vòng quanh một số đình, chùa trong xã. Hiện nay, lễ hội được tổ chức với quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thiêng và các nghi thức truyền thống.
Chùa Sậy được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử” theo quyết định số 1727/QĐ- UBND ngày 27/09/2012.