Chùa Đại Bi tọa lạc tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Chùa được khởi dựng từ sớm, trải qua thời gian ngôi chùa cũ đã bị phá hủy hoàn toàn, hệ thống tượng Phật và các đồ thờ tự tại chùa đều bị thất lạc. Di vật quý giá nhất còn lưu giữ lại được là tấm bia đá cổ mang tên “Đại Bi Diên Minh tự bi”. Bia do Sa môn Trí Hành sai Sa môn Sùng Nhân soạn và Phạm Bồng khắc bia dựng vào thời Trần niên hiệu Khai Thái thứ 4 (1327) thời vua Trần Minh Tông. Bia được làm bằng đá xanh, khối hình chữ nhật dẹt. Bia cao 100cm, rộng 60cm, dầy 11cm. Bia gồm hai mặt (mặt trước và mặt sau) bao gồm các phần: trán bia và diềm bia.
Trán bia: hình cung, mỗi mặt trán bia chạm một đôi rồng chầu vào hàng chữ được khắc đều đặn ở chính giữa. Rồng được tạo tác khỏe đẹp, trong tư thế đầu rồng ngẩng cao, khúc uốn trên thân chủ yếu theo đường lượn nhẹ mềm mại, thân tròn lẳn, mập mạp, thu nhỏ dần về phía đuôi; đầu rồng có bờm mào dài, mũi cao, có sừng, miệng há để lộ răng nanh sắc nhọn, mang đặc trưng phong cách rồng thời Trần. Chân rồng chạm khắc móng sắc nhọn, nét khắc rõ ràng, mạch lạc. Tất cả đều được làm nổi trên nền là những lớp mây cuộn dày đặc che gần kín mặt mảng chạm.
Diềm bia: được phân ra thành các vị trí diềm trán, diềm hai bên. Trên diềm bia chạm họa tiết hoa văn hình hoa cúc. Hoa cúc ở đây được thể hiện ở dạng hoa cúc dây cách điệu với những sống dây nổi, mảnh, đều uốn lượn hình sin, bao bọc lấy các hoa. Giữa mỗi khúc là một bông cúc cánh nhỏ tỏa kín, xếp đều nhau được bố cục theo thể thức cứ một bông diễn tả theo lối nằm nghiêng lại xen một bông thể hiện theo lối nhìn thẳng chính diện. Các cánh hoa có mũi cuộn cong trở lại vào giữa được bố trí cân xứng nhau phủ kín diềm bia. Trung tâm diềm trán bia mặt sau chạm biểu tượng ngọc sáng cách điệu giống như vòng hào quang vô cùng độc đáo. Ở giữa là những viên ngọc quý đang tỏa sáng bằng những đường tròn đồng tâm
Văn bia được khắc kín hai lòng bia và hai cạnh bia. Lòng bia chép một bài tựa và một bài minh. Nội dung văn bia được khắc liên tục không ngắt đoạn, ghi chép họ tên và số ruộng của mỗi người công đức vào chùa. Trước các chữ ghi tên người cung tiến ruộng đất vào chùa đều bỏ cách một khoảng trống, ruộng đất của mỗi người đều có ghi chép giáp ranh theo 4 hướng: đông, tây, nam, bắc. Bài minh được khắc thành 12 dòng, mỗi dòng gồm 8 chữ. Sau mỗi câu 4 chữ lại để cách một ô chia bài minh thành 8 khổ theo hàng ngang. Tổng cộng toàn bộ văn bia hiện có khoảng gần 2.000 chữ (một số chữ đã mất không khôi phục được). Hai cạnh bia (khoảng gần 400 chữ) ghi chép lại việc cúng tiến ruộng đất vào chùa qua các năm: Bính Thân (1356), Mậu Tuất (1358), Quang Thái thứ 2 (1389),...
Bảo vật quốc gia bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” là hiện vật gốc độc bản và là tác phẩm có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, bia được tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống, tiêu biểu cho nền nghệ thuật chạm khắc đá thời Trần. Phản ảnh trình độ và đặc trưng quy trình kỹ thuật - nghệ thuật tạo tác đá của những người thợ thủ công đương thời. Đây là tấm bia cổ, có niên đại tuyệt đối duy nhất của thời Trần hiện còn được lưu giữ đến ngày nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Tấm bia là một chứng tích về sự phát triển huy hoàng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, phản ánh tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của triều đại quân chủ Phật giáo thân dân, lấy tư tưởng Phật giáo mà cốt lõi là triết lý từ bi, hỷ xả, hòa quang đồng trần làm động lực thúc đẩy việc xây dựng con người và xã hội. Chùa Đại Bi ra đời trong khoảng thời gian này là một minh chứng rất rõ cho sự phát triển mạnh mẽ đó của Thiền phái Trúc Lâm.
Tương tự văn bia thời Trần khác, văn bia này có những nét chung, đó là ghi lại các sự kiện lớn, các nhân vật lớn, gắn với việc xây dựng các công trình lớn của triều đình, nhằm ngợi ca thời thế hưng thịnh và cầu chúc cho vận nước dài lâu, thánh hoàng trường thọ. Nội dung văn bia cũng dành một phần ghi chép về gia đình và sự nghiệp của nhà sư Trí Hành. Do vậy, đây là nguồn di sản tư tiệu quý giá cho chúng ta tìm hiểu về nhà sư Trí Hành thời Trần.
Sự khác biệt độc đáo trên tấm bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” còn được thể hiện khá rõ nét: Đây là tấm bia khá tiêu biểu trong số bia thời Trần còn bảo tồn nguyên dạng ban đầu. Đó là trán bia gắn liền với thân bia. Trên trán bia trang trí đề tài hai rồng hai bên chầu vào ô chứ là tên bia ở giữa trung tâm trán bia. Trong khi đó trán bia thời Lê Mạc thế kỷ XV,XVI trở đi là hai rồng chầu mặt nguyệt ở giữa (Lưỡng long chầu nguyệt). Trang trí trên diềm bia là đề tài hoa cúc, một biểu trưng của Phật Pháp, được chạm nổi nhẹ, nghĩa là nét chạm không quá sâu, nhưng cũng không quá nông. Các cánh hoa cúc uốn lượn đối xứng hai bên tạo thành thể uốn lượn hình sin. Loại hoa văn này dần dần được thay thế bởi hoa văn hoa dây, trước tiên là một dây leo hình sin xuất hiện từ bia thời Trần được gọi là hoa văn dây leo, sau đó thành một dây leo uốn lượn, hai bên trổ ra những cánh hoa hoặc lá. Cũng hoa dây uốn lượn này trên bia thế kỉ XVII, XVIII có thêm nhiều họa tiết trang trí khác khá phong phú như hoa lá, chim, thú,... là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc dân gian, gắn liền với sự hưng thịnh của kiến trúc đình làng.
Ngoài ra tư liệu trong văn bia khá phong phú góp phần nghiên cứu nhiều khía cạnh khác, như đơn vị hành chính đương thời như văn bia ghi là: chùa Đại Bi Diên Minh, thôn Mộ Đạo, hương Siêu Loại, lộ Bắc Giang Hạ. Trong khi tư liệu chính sử và nguồn sử liệu khác về đơn vị hành chính thời Trần hiếm hoi, thì tư liệu văn bia này giúp việc xác định cụ thể đơn vị hành chính thời Trần vào thời điểm dựng bia này, năm 1327 là: Thôn - Hương - Lộ. Không chỉ vậy, do được bảo tồn khá nguyên vẹn, văn bia là văn bản tài liệu gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu nhiều phương diện như: việc sử dụng ruộng đất, cách thức kết cấu văn chương và cung cấp một kiểu mẫu tự dạng có thể sử dụng để giám định văn bản học trên các bia ký thời Trần.
Với những giá trị tiêu biểu, tấm bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2024 (theo Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/1/2024./.
Thực hiện: Kim Cúc