Đình Tiên Quán được xây dựng trên thế đất “cửu long uốn khúc” tại thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão. Phía trước đình có Tam thai; hai bên tả hữu nổi lên các gò cao có hình sao mộc, thủy, hỏa, thổ; phía sau có sao Thất Diệu, sao Thiên Mã che chở. Đình có mặt tiền hướng Nam.
Đình thờ Trung Thành Phổ Tế Đại Vương và nhị vị phu nhân là Trinh Nương và Thục Nương công chúa, các vị là những người có công với đất nước trong thời kỳ Hùng Vương dựng nước.
Đình được khởi dựng từ sớm với quy mô hình chữ Tam gồm: Đại bái, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống khung chịu lực như cột, vì, xà,… được làm bằng gỗ lim vững chắc. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình đã bị phá huỷ. Đến năm 1991, nhân dân địa phương đã phục dựng lại đình với kiến trúc đơn giản, kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái 05 gian, các bộ vì làm kiểu vì kèo giá chiêng đấu kê, quá giang câu đầu. Hậu cung 03 gian, kiến trúc theo kiểu vì kèo. Nơi đây đặt ban thờ, ngai và bài vị các vị Thành hoàng làng.
Hiện nay, đình Tiên Quán còn lưu giữ được một số hiện vật rất có giá trị như: 03 cỗ ngai và bài vị, 05 bát hương cổ, 09 đạo sắc phong thời Nguyễn.
Hằng năm, lễ hội tại đình được tổ chức vào hai ngày mồng 06 và mồng 07 tháng 02 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của các vị thần. Đồng thời đây cũng là dịp ôn lại thuần phong mỹ tục, truyền thống của cha ông.
Đình Tiên Quán được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 2522/QĐ-UBND ngày 07/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, thuộc loại hình di tích “Lịch sử - văn hoá”.