Cụm di tích đình, chùa Vĩnh Hậu toạ lạc trên khu đất cao ráo, khoáng đạt tại thôn Vĩnh Hậu, xã Vĩnh Xá. Xưa kia, thôn Vĩnh Hậu còn có tên gọi là thôn Hậu, là một trong ba thôn thuộc xã Vĩnh Đồng, tổng Tạ Xá, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng.
Đình Vĩnh Hậu thờ Thành hoàng Trung Thành Phố tế Đại vương sống vào thời Hùng Duệ Vương. Ngài có công dẹp giặc đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trải qua các triều đại, Ngài đều âm phù giúp dân, giúp nước, che chở cho nhân dân.
Xưa kia, đình có quy mô lớn kiểu chữ Quốc gồm Đại bái, Trung từ, Hậu cung và hai dãy Giải vũ. Sau đó, đình được trùng tu, tu sửa vào thời Nguyễn niên hiệu Tự Đức và Bảo Đại. Hiện nay, đình có kết cấu chữ Nhị với hai toà Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 01 gian 02 dĩ, kết cấu bộ vì kiểu ván mê. Bốn đầu dư chạm cá chép hoá rồng. Hậu cung 03 gian, các bộ vì làm kiểu chồng rường con nhị đấu sen. Hệ thống chịu lực chính được làm bằng gỗ lim và được chạm khắc tinh xảo các đề tài: Tứ linh, tứ quý, đao lửa, hoa dây,…
Cách đình khoảng 100m về hướng Tây là chùa Vĩnh Hậu (tên chữ là Vĩnh Khánh tự) là nơi tôn thờ Đức Phật, thờ Mẫu và thờ Tổ cũng giống như nhiều công trình Phật giáo khác. Chùa được khởi dựng từ sớm và được trùng tu vào thời Nguyễn niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859). Mặt tiền chùa hướng Tây nhìn ra cánh đồng làng. Chùa có kiến trúc chính hình chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường gồm 05 gian, kết cấu các bộ vì kiểu giá chiêng con nhị được kê trên đấu sen. Thượng điện kết cấu bộ vì kiểu vì ván mê chạm hoa dây. Tại đây bài trí các lớp tượng như: Tam thế, Adiđà, Quan âm chuẩn đề, Ngọc Hoàng, Cửu long,... Ngoài khu thờ chính trong khuôn viên chùa còn có nhà Mẫu và nhà Tổ.
Tại di tích đình, chùa Vĩnh Hậu còn lưu giữ được 08 đạo sắc phong thời Lê và Nguyễn, 01 bản sao thần tích, thần sắc, 01 chuông đồng cổ.
Cụm đình - chùa Vĩnh Hậu được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 24/12/2008 xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh.