Đền Thọ Vực được xây dựng trên khu đất cao ráo ở giữa thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa. Đền có mặt tiền hướng Tây Nam, xung quanh là khu dân cư đông đúc. Dưỡng Phú còn có tên gọi khác là làng Phận thuộc tổng Bằng Ngang, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam thượng.
Đền Thọ Vực là nơi tôn thờ vị Lã Gia (Lữ Gia). Ông là một Tể Tướng của nước Nam Việt. Ông là người nắm chính trường nước Nam Việt những năm cuối và sau đó thất bại trước cuộc xâm lăng của nhà Hán. Ông còn là người có công với vùng đất này. Ông đã ban thuốc và chữa bệnh cho nhân dân trong làng khỏi dịch bệnh hiểm nghèo.
Đền được khởi dựng từ sớm nhưng đã trải qua nhiều lần trùng tu nên dấu ấn kiến trúc hiện nay mang phong cách thời Nguyễn. Đền có kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Tiền tế và Hậu cung. Tiền tế 03 gian 02 chái, xây dựng kiểu tường hồi bít đốc mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Hai bộ vì chính làm kiểu chồng rường giá chiêng, hai vì hồi kiểu vì kèo đơn giản. Hậu cung 01 gian, làm đơn giản, nơi đặt ngai thờ Tể Tướng Lã Gia. Đền Thọ Vực còn lưu giữ được một số hiện vật tiêu biểu là: kiệu bát cống, ngai thờ, đại tự rất có giá trị.
Ngôi đền là một công trình kiến trúc có quy mô không lớn nhưng các hạng mục, cấu kiện kiến trúc cũng như hiện vật, đồ thờ còn tương đối đồng bộ. Hằng năm, tại đền thường tổ chức lễ hội vào ngày 18 tháng 11 âm lịch để tưởng nhớ đến ngày mất của Tể tường Lã Gia. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: đánh đu, đánh cờ, kéo co, hát chèo,… thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đền Thọ Vực được UBND tỉnh xếp hạng là di tích “Lịch sử - văn hoá” cấp tỉnh theo Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 24/12/2008.