Trong khuôn viên chùa làng Bình Phú có cây thị và cây muỗm cổ thụ khoảng ba trăm năm tuổi. Tương truyền, cây thị này là dấu tích của ông thần "Chu Vương hành khiển", người làng Bình Phú vẫn quen gọi là "Ông có của".
Chuyện kể rằng, thuở trước có một người giàu có nhưng tuổi đã cao mà chưa có con trai nối dõi tông đường. Ông buồn lắm, chẳng thiết làm gì. Một ngày kia ông đem hết vàng bạc của cải chôn xuống đất, rồi trồng một cây thị lên đó làm dấu. Trước khi biệt tích, ông đem bí mật của kho báu ghi trong gia phả giao cho người bạn thân với lời giao ước "Đời sau nếu có ai xưng là con cháu của ông tìm về, nói đúng bí mật ghi trong gia phả thì sẽ được hưởng gia tài đó". Năm tháng qua đi, cây thị trở thành cổ thụ, người coi kho báu đã mất từ lâu mà không ai động đến kho báu chôn dưới đất, sợ có thần yểm.
Ngày nay, dưới gốc thị có một ngôi miếu nhỏ thờ hai vị thần là Chu Vương và bạn của ông người giữ cuốn gia phả, tục gọi là "Miếu ông có công, ông có của".
Cách cây thị khoảng chục mét, là cây muỗm. Tương truyền cũng được trồng cùng thời với cây thị. Nhìn từ xa, cây thị và cây muỗm giống như hai người bạn đồng sinh. Cây muỗm xanh tốt, cành lua um tùm, mỗi mùa muỗm chín, chim chóc kéo về xây tổ. Tiếng chim hót véo von hòa vào không gian thanh tịnh chốn thiền môn.